Theo bảng xếp hạng Current Index, bảng xếp hạng nhánh của Nature Index, (khảo sát từ 1/7/2018 - 30/6/2019), ĐHQG-HCM và Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử ĐHQG-HCM (INOMAR) là 2 đơn vị thuộc top 10 cơ sở nghiên cứu hàng đầu Việt Nam. Trong đó, ĐHQG-HCM đứng vị trí thứ 4 và Trung tâm INOMAR đứng thứ 8.
Top 10 cơ sở nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam theo Current Index. Nguồn: natureindex.com
Nature Index (Vương quốc Anh) năm 2019 là bảng xếp hạng các đơn vị nghiên cứu hoặc quốc gia, được xây dựng dựa trên nền tảng 82 tạp chí khoa học thuộc 4 nhóm lĩnh vực, gồm: hóa học, vật lý học, khoa học trái đất & môi trường, và khoa học sự sống. Đây là những tạp chí rất danh tiếng, được chọn lọc ra từ hàng chục nghìn tạp chí khoa học uy tín trên khắp thế giới.
Nature Index bắt đầu công bố xếp hạng từ năm 2016 nhằm đánh giá chất lượng và xếp hạng của trên 5.000 các trường đại học, viện/trung tâm nghiên cứu của 174 quốc gia. Phương pháp đánh giá của Nature Index chủ yếu dựa vào 2 chỉ số là AC (Article Count) - số lượng bài báo của đơn vị/quốc gia trong khung thời gian đang xét, và FC (Fractional Count) - tỷ lệ đóng góp của các tác giả từ đơn vị/quốc gia đó, có xét đến số địa chỉ công tác của tác giả trên mỗi bài báo. Trong đó, chỉ số FC sẽ được dùng để xếp hạng.
Theo PGS.TS Phan Bách Thắng - Giám đốc Trung tâm INOMAR, trong khoảng thời gian đánh giá trên, ĐHQG-HCM đã công bố 5 bài báo khoa học ở các tạp chí thuộc danh sách chọn lọc của Nature Index gồm: Advanced Functional Materials, Geochimica et Cosmochimica Acta, Geophysical Research Letters, Inorganic Chemistry và Water Research. Tỷ lệ đóng góp theo các chỉ số của các lĩnh vực xếp hạng là Khoa học Trái đất và Môi trường (AC = 3, FC = 0.51), Vật lý (AC = 1, FC = 0.06) và Hóa học (AC = 1, FC = 0.58).
“Trong tổng điểm AC và FC của ĐHQG-HCM, Trung tâm INOMAR lần lượt chiếm 20% và 43% tổng số điểm. Điều này cho thấy nội lực cao trong nghiên cứu khoa học của trung tâm” - PGS.TS Phan Bách Thắng cho biết.
Tạp chí lừng danh Nature Research cho biết, Nature Index là bảng xếp hạng được công bố liên tục hàng tháng, với dữ liệu đầu vào là những bài báo được công bố trong vòng một năm kể từ tháng đó trở về trước. Bảng xếp hạng này cho phép đánh giá mức độ tích cực trong công bố quốc tế xuyên suốt một năm gần nhất của một đơn vị nghiên cứu hoặc một quốc gia.
Các chỉ số xếp hạng của ĐHQG-HCM do Current Index công bố. Nguồn: natureindex.com
Trước đó, tại Hội thảo “Nâng cao năng lực công bố quốc tế Scopus tại ĐHQG-HCM” vào trung tuần tháng 8, PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, khẳng định ĐHQG-HCM sẽ hỗ trợ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và giảng viên trẻ trong việc xuất bản bài báo quốc tế.
Hiện nay, ĐHQG-HCM sở hữu hơn 3.700 cán bộ nghiên cứu và trên 2.500 nghiên cứu sinh, học viên cao học tốt nghiệp mỗi năm. Từ tháng 9/2019, ĐHQG-HCM triển khai Đề án Nâng cao năng lực công bố quốc tế Scopus cho đội ngũ các nhà khoa học của ĐHQG-HCM. Trong đó, đề án tập trung vào việc xây dựng văn phòng hỗ trợ công bố quốc tế, khen thưởng cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và giảng viên trẻ có công bố khoa học xuất sắc.
PHIÊN AN