Slogan_Đại Học Quốc Gia_vn

Tìm kiếm:

ĐHQG-HCM được thành lập năm 1995 trên cơ sở sáp nhập các trường đại học hàng đầu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, ĐHQG-HCM gồm 8 đơn vị thành viên: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn, Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học An Giang, Viện Môi trường - Tài nguyên và các đơn vị trực thuộc khác. Ngay từ những năm đầu thành lập, ĐHQG-HCM đã rất quan tâm đến công tác bảo đảm chất lượng (BĐCL) và là một trong hai cơ sở giáo dục (CSGD) đại học đầu tiên của cả nước thành lập bộ phận chuyên trách về BĐCL (Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo) năm 1999.

        Công tác BĐCL tại ĐHQG-HCM được thực hiện theo chủ trương và lộ trình thống nhất, xuất phát từ việc xây dựng một hệ thống BĐCL bên trong vững chắc; sau đó triển khai kiểm định chất lượng (KĐCL) theo các bộ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế trước khi chủ động tham gia xếp hạng đại học. Các thành tố này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trên tinh thần cải tiến liên tục để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.



Hình 1: Sơ đồ Định hướng chiến lược BĐCL tại ĐHQG-HCM

 

1. Quá trình phát triển công tác BĐCL tại ĐHQG-HCM

- Xây dựng hệ thống BĐCL bên trong

Hệ thống BĐCL tại ĐHQG-HCM gồm hai cấp: cấp ĐHQG-HCM và cấp đơn vị thành viên. Cấp ĐHQG là Hội đồng BĐCLGD với Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo là đơn vị thường trực, đóng vai trò nòng cốt. Cấp đơn vị bao gồm bộ phận BĐCL và các tổ công tác chuyên môn tại các phòng/ban chức năng, các khoa/bộ môn. Trong mối quan hệ này, Hội đồng BĐCLGD có chức năng xây dựng chính sách, chiến lược và ban hành kế hoạch BĐCL. Hội đồng họp định kỳ 2 lần/năm để đánh giá, rà soát, chỉ đạo và định hướng chung cho hoạt động BĐCL trong toàn ĐHQG-HCM.



Hình 2: Sơ đồ hệ thống BĐCLGD ĐHQG-HCM

Để hệ thống vận hành hiệu quả, ĐHQG-HCM đã ban hành các văn bản quản lý và hướng dẫn, tạo cơ sở để triển khai các hoạt động BĐCL tại từng đơn vị. ĐHQG-HCM cùng các trường thành viên đã ban hành trên 50 văn bản, quy định, tài liệu hướng dẫn như quy định về hệ thống BĐCL nội bộ, quy định về khảo sát ý kiến các bên liên quan, quy định về đánh giá và KĐCLGD, sổ tay chất lượng,... Trong đó, năm 2017 ĐHQG-HCM đã ban hành Quy chế BĐCL GDĐH. Văn bản này đã định hướng cho tất cả các hoạt động BĐCL tại các đơn vị thành viên. ĐHQG-HCM cũng là đơn vị đầu tiên xây dựng và ban hành Quy chế BĐCL GDĐH.

Quy chế BĐCL GDĐH tại ĐHQG-HCM là sự kết hợp thống nhất giữa bộ nguyên tắc áp dụng cho hoạt động BĐCL bên trong của khung BĐCL ASEAN và đặc thù của ĐHQG-HCM. Quy chế BĐCL GDĐH tại ĐHQG-HCM gồm 10 nguyên tắc sau:

1. BĐCL GDĐH là trách nhiệm của CSGD

2. Đảm bảo cân bằng giữa quyền tự chủ của CSGD và trách nhiệm giải trình với xã hội

3. Đảm bảo có sự tham gia và hợp tác của tất cả các bên liên quan trong công tác BĐCL GDĐH

4. Tất cả các hoạt động của CSGD được triển khai trên nền tảng văn hóa chất lượng

5. Hệ thống BĐCL bên trong có cấu trúc hợp lý, vận hành hiệu quả, trách nhiệm của các bộ phận được xác định rõ

6. Lãnh đạo CSGD quan tâm, chỉ đạo hoạt động của hệ thống BĐCL giáo dục để đảm bảo việc triển khai hiệu quả, bền vững

7. Hệ thống BĐCL giáo dục được cung cấp đủ nguồn lực để hoạt động hiệu quả

8. CSGD có cơ chế, quy trình chính thức để rà soát định kỳ và theo dõi chất lượng các chương trình, sự tiến bộ của sinh viên để cải tiến chất lượng

9.  Chất lượng được thường xuyên giám sát, đánh giá ở tất cả các cấp độ nhằm cải tiến liên tục

10. CSGD thường xuyên cung cấp cho xã hội thông tin cập nhật, có liên quan đến CSGD, các CTĐT, thành quả đạt được và các quy trình BĐCL giáo dục.

 

- Triển khai tự đánh giá, đánh giá ngoài và cải tiến liên tục

Trên cơ sở hệ thống BĐCL và văn bản quản lý, tài liệu hướng dẫn đã được hoàn thiện, ĐHQG-HCM triển khai công tác đánh giá chất lượng theo quy trình sau:

1.  Tự đánh giá và đánh giá nội bộ: được thực hiện bởi CSGDĐH; là hoạt động tự xem xét, nghiên cứu dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) hoặc các tổ chức đánh giá/kiểm định khu vực, quốc tế ban hành (các tổ chức được Bộ GD&ĐT công nhận hoạt động tại Việt Nam hoặc được Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHQG-HCM phê duyệt). Tùy theo bối cảnh và điều kiện riêng, CSGDĐH có thể thực hiện các hình thức khác nhau nhằm rà soát, đánh giá nội bộ như thẩm định báo cáo tự đánh giá, tổ chức đoàn đánh giá đồng cấp… đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác tự đánh giá.

2.   Đánh giá cấp ĐHQG-HCM: được thực hiện bằng hình thức thẩm định hồ sơ tự đánh giá hoặc tổ chức đoàn đánh giá cấp ĐHQG-HCM.

3.   Đánh giá ngoài: hoạt động đánh giá chất lượng giáo dục đại học được thực hiện bởi các tổ chức đánh giá/kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ GD&ĐT công nhận hoạt động tại Việt Nam hoặc được Hội đồng BĐCLGD ĐHQG-HCM phê duyệt.

Trong các hoạt động trên, đánh giá cấp ĐHQG-HCM (thông qua hoạt động thẩm định hồ sơ tự đánh giá hoặc tổ chức đoàn đánh giá cấp ĐHQG-HCM) đóng vai trò quan trọng, là cơ sở để các đơn vị xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng, đồng thời chuẩn bị tốt cho hoạt động đánh giá ngoài chính thức theo các bộ tiêu chuẩn trong nước, khu vực và quốc tế.

Đánh giá ngoài bởi các tổ chức kiểm định độc lập chỉ được thực hiện khi các đơn vị đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu về BĐCL cũng như đạt kết quả tốt trong đánh giá chất lượng cấp ĐHQG-HCM.

2. Một số thành quả của ĐHQG-HCM về đánh giá chất lượng

Với chủ trương tập trung trước hết vào BĐCL bên trong, ĐHQG-HCM cùng các đơn vị thành viên đã thành công trong việc xây dựng nền tảng vững chắc cho hoạt động cải tiến chất lượng liên tục, đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan, phù hợp với các chuẩn mực khu vực và quốc tế. Thực hiện trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo cũng như để đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế, ĐHQG-HCM tích cực tham gia đánh giá/KĐCL, tiến tới xếp hạng đại học quốc tế.

Hoạt động đánh giá và KĐCL được thực hiện với nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu giám sát chất lượng, đảm bảo trách nhiệm giải trình với xã hội và tạo niềm tin với các đối tác. Trong KĐCL, ĐHQG-HCM ưu tiên kiểm định cấp CTĐT, tiếp đó triển khai kiểm định cấp CSGD theo các bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Các kết quả kiểm định được ĐHQG-HCM sử dụng để xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động cải tiến. 

        Về kiểm định cấp CTĐT, tính đến tháng 10/2022, ĐHQG-HCM dẫn đầu cả nước về số chương trình đạt chuẩn kiểm định trong nước và quốc tế với 94 chương trình, bao gồm: 01 chương trình đạt chuẩn kiểm định theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, 05 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET, 76 chương trình đạt chuẩn AUN-QA, 12 chương trình đạt các chuẩn quốc tế khác (AQAS, CTI, FIBAA, ACBSP…)

        Về kiểm định cấp CSGD, từ năm 2015-2018, tất cả 07 trường đại học thành viên thuộc ĐHQG-HCM đã đạt chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các bộ tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, Trường Đại học Bách khoa đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng theo bộ tiêu chuẩn HCERES và AUN-QA. Trường Đại học Quốc tế đạt chuẩn kiểm định AUN-QA. Trong năm 2022-2023, các trường sẽ tham gia kiểm định vòng 2 theo các bộ tiêu chuẩn trong và ngoài nước.



© 2018 Trung Tâm Khảo Thí và Đánh Giá Chất Lượng Đào Tạo - ĐHQG TP.HCM.
Powered by Web7Màu.

Địa chỉ: Phòng 403, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, Tp.HCM
Điện thoại: 08.3724.2181, Số nội bộ: 1415 - Fax: 08.3724.2162
Email: ttkt@vnuhcm.edu.vn
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.6.6.0