Đó là kết quả về 1 trong 5 tiêu chí xếp hạng của THE WORLD UNIVERSITY RANKINGS 2021 (THE-WUR 2021) dành cho ĐHQG-HCM được công bố vào tối 2/9. Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam tiếp tục có 3 đại diện được vinh danh, trong đó, ĐHQG-HCM duy trì ở Top 1001+ đại học hàng đầu thế giới.
Thu nhập từ chuyển giao công nghệ cho thấy mức các doanh nghiệp sẵn sàng chi cho nghiên cứu và khả năng thu hút tài trợ của cơ sở GDĐH trên thị trường thương mại.
THE-WUR là thước đo đánh giá các đại học nghiên cứu trên toàn cầu ở tất cả nhiệm vụ cốt lõi của một cơ sở GDĐH gồm: giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao tri thức và triển vọng quốc tế. THE-WUR sử dụng chỉ số đo lường theo chuẩn, nhằm cung cấp những so sánh toàn diện và cân bằng nhất, được sinh viên, học giả, lãnh đạo các trường, chính phủ cũng như giới học thuật tin tưởng.
Các tiêu chí đánh giá của THE-WUR được phân thành 5 nhóm gồm: Giảng dạy (môi trường học tập); Nghiên cứu (khối lượng, thu nhập và danh tiếng); Các trích dẫn khoa học (tầm ảnh hưởng của nghiên cứu); Triển vọng quốc tế (của nhân viên, sinh viên và nghiên cứu); và thu nhập ngành (chuyển giao kiến thức).
Theo kết quả năm 2021, THE-WUR tiến hành xếp hạng 1.527 đại học xuất sắc nhất thế giới (theo kết quả năm 2020 là 1.394 trường). Trong 5 tiêu chí của bảng xếp hạng năm nay, ĐHQG-HCM đạt kết quả tốt nhất ở tiêu chí Thu nhập từ chuyển giao công nghệ, đứng vị trí 658 toàn cầu; tiếp đến là tiêu chí Triển vọng quốc tế xếp vị trí 838 toàn cầu. Ở hai tiêu chí này, ĐHQG-HCM tiệm cận Top 50% của thế giới. Đồng thời, 3 tiêu chí còn lại gồm Giảng dạy, Nghiên cứu và Chỉ số trích dẫn, ĐHQG-HCM được xếp ở nhóm 25% so với mức điểm sàn.
THE-WUR, khả năng phục vụ cộng đồng của một cơ sở GDĐH từ những đổi mới, phát minh và tư vấn đã trở thành một nhiệm vụ cốt lõi của cộng đồng học thuật toàn cầu hiện nay. Tiêu chí Thu nhập từ chuyển giao công nghệ sẽ ghi nhận hoạt động chuyển giao tri thức công nghệ bằng cách xem xét nguồn thu nhập một tổ chức thu về từ việc nghiên cứu ở từng lĩnh vực. Chỉ số sau đó sẽ được cân bằng lại theo số giảng viên của đơn vị.
Tiêu chí này cho thấy mức các doanh nghiệp sẵn sàng chi cho nghiên cứu và khả năng thu hút tài trợ của cơ sở GDĐH trên thị trường thương mại. Đây chính là các chỉ số hữu ích để xác định chất lượng của đơn vị.
Tiêu chí Triển vọng quốc tế được đánh giá dựa trên ba yếu tố Tỷ lệ Sinh viên quốc tế, Tỷ lệ Giảng viên quốc tế và Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Tiêu chí này cho thấy khả năng thu hút sinh viên đại học, sau đại học và các giảng viên trên khắp thế giới là chìa khóa thành công của một trường đại học trên trường quốc tế.
Trong yếu tố Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, THE tính tổng số các ấn bản tạp chí nghiên cứu có ít nhất 1 đồng tác giả quốc tế. Đây là chỉ tiêu được chuẩn hóa nhằm đánh giá tổ hợp các lĩnh vực do trường giảng dạy và áp dụng phương pháp tiếp cận 5 năm tương tự như mục trích dẫn ảnh hưởng NCKH.
Từ đầu năm 2020 đến nay, ĐHQG-HCM đã đón nhận nhiều kết quả khả quan từ các bảng xếp hạng đại học uy tín của thế giới. Theo QS Graduate Employability 2020 - QS GER, ĐHQG-HCM ở vị trí Top 301-350 thế giới và là đơn vị duy nhất của Việt Nam xuất hiện trên bảng xếp hạng về khả năng có việc làm của sinh viên tốt nghiệp, một trong những tiêu chí quan trọng nhất về chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục. Đặc biệt, tháng 6/2020, ĐHQG-HCM đồng thời xuất hiện trên 2 bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50 2021, thuộc top 101-150 đại học hàng đầu thế giới thành lập dưới 50 năm và Young University Rankings 2020 (THE) thuộc top 351-400 đại học trẻ tốt nhất thế giới.
PHAN ANH