GIỚI THIỆU VỀ MẠNG LƯỚI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC
ĐÔNG NAM Á (AUN)
Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network–AUN) được thành lập vào năm 1995 theo sáng kiến của Hội đồng Bộ trưởng giáo dục các nước ASEAN. Các thành viên đầu tiên của Mạng lưới do Bộ trưởng Bộ Giáo dục các nước đề cử, trong đó Việt Nam có hai Đại học Quốc gia. Từ năm 2008, AUN trở thành Cơ quan chuyên ngành cấp Bộ trưởng của ASEAN (ASEAN Sectoral Ministerial Body), đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực trong lĩnh vực giáo dục đại học (GDĐH). Tính đến tháng 12/2015, mạng lưới này gồm có 30 thành viên chính thức và 27 thành viên liên kết (Associate Member); trong đó Việt Nam có 3 thành viên chính thức và 9 thành viên liên kết (xem bảng)
Thành viên
|
1
|
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
|
2
|
Đại học Quốc gia Hà Nội
|
3
|
Đại học Cần thơ
|
Thành viên liên kết (Associate Member)
|
1
|
Đại học Đà Nẵng
|
2
|
Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM
|
3
|
Đại học Y tế Công cộng
|
4
|
Đại học Thái Nguyên
|
5
|
Đại học Hàng hải Việt Nam
|
6
|
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
|
7
|
Đại học Bách khoa Hà Nội
|
8
|
Đại học Huế
|
9
|
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
|
Bảng 1: Các trường đại học là thành viên và thành viên liên kết của AUN
|
Kể từ khi thành lập, AUN không ngừng lớn mạnh với nhiều hoạt động đa dạng, hướng đến mục tiêu hài hòa hóa GDĐH khu vực, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN. Đến nay, AUN đã triển khai hơn 30 chương trình, tập trung vào các lĩnh vực: 1. Hợp tác học thuật, 2. Thúc đẩy trao đổi và giao lưu sinh viên 3. Tập huấn, nâng cao năng lực, 4. Hội thảo & Hợp tác nghiên cứu, 5. Hệ thống, cơ chế giáo dục đại học, 6. Diễn đàn xây dựng chính sách khu vực và toàn cầu, 7. Các mạng lưới chuyên trách (Thematic Networks).
Ngay từ khi thành lập, AUN đã xem chất lượng là một mục tiêu quan trọng. Chủ trương thành lập mạng lưới chuyên trách về ĐBCL của AUN (gọi là AUN-QA) đã được Hội đồng Quản trị AUN thông qua từ năm 1998 nhằm nâng cao chất lượng GDĐH khu vực để đạt được sự công nhận từ cộng đồng quốc tế và thúc đẩy hội nhập trong khu vực ở các lĩnh vực: dạy và học, nghiên cứu, chia sẻ và chuyển giao tri thức (thông qua việc tạo điều kiện liên thông và công nhận lẫn nhau giữa các trường trong khối ASEAN và với quốc tế).
ĐHQG-HCM tham gia AUN từ năm 1999 và là một trong những thành viên hoạt động tích cực trong mạng lưới, đặc biệt trong lĩnh vực đánh giá chất lượng. Tính đến tháng 10/2015, ĐHQG-HCM có tổng cộng 23 chương trình đã được đánh giá chất lượng theo AUN-QA, đứng thứ 2 khu vực chỉ sau Trường Gadjah Mada, Indonesia. Gần đây nhất, tháng 10/2015, chương trình Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp và Kỹ thuật Y sinh của trường ĐH Quốc tế lần lượt đạt mức điểm 5,0 và 5,1 trên thang điểm 7 của AUN. Đây là mức điểm cao thứ 2 trong khu vực tính đến nay. Bên cạnh đó, các chuyên gia của ĐHQG-HCM đã và đang tham gia tích cực vào các hoạt động đánh giá, phát triển bộ tiêu chuẩn cũng như các hoạt động cải tiến chất lượng trong khu vực, 46 cán bộ ĐHQG-HCM đã hoàn thành khóa đào tạo kiểm định viên của AUN.
Với kinh nghiệm triển khai đánh giá chất lượng AUN-QA trong nhiều năm qua, ĐHQG-HCM đã và đang tích cực phổ biến và hỗ trợ các cơ sở GDĐH ngoài hệ thống tiếp cận với bộ tiêu chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng công tác ĐBCL trong GDĐH Việt Nam, đồng thời, đóng góp vào nỗ lực chung của AUN trong việc hài hòa hóa GDĐH khu vực, xây dựng cộng đồng ASEAN.
Tham khảo website http://www.aunsec.org/systemandmechanisms.php
[1]Theo tài liệu họp CQO (cán bộ phụ trách ĐBCL) của AUN năm 2015 tại Hà Nội