Webometrics là bảng xếp hạng tất cả các trường đại học trên thế giới (không phải vài trăm trường từ các nước phát triển) và chỉ công bố trong một ấn bản thường niên duy nhất. Các chỉ số đo lường bao gồm sự hiển thị (visibility), tính minh bạch hay tính mở (transparency/openness) và sự xuất sắc (excellence of scholar) là kết quả của một cuộc điều tra cẩn thận và không theo ý kiến lựa chọn chủ quan của cá nhân người dùng hay tổ chức nào. Cách làm này không giống với một loạt các bảng xếp hạng khác, đó là cùng sử dụng chính xác những dữ liệu như nhau nhưng lại xếp hạng theo các kiểu khác nhau. Điều này thể hiện sự khó hiểu và lúng túng về ý nghĩa cũng như phương pháp luận trong xếp hạng đại học. Đểm mạnh cốt lõi của bảng xếp hạng Webometrics là liên tục nghiên cứu để cải thiện, thay đổi hoặc phát triển các chỉ số và mô hình trọng số tốt hơn về xếp hạng, trong khi một số bảng xếp hạng quốc tế ngày nay vẫn duy trì sự ổn định giữa các phiên bản mà không sửa lỗi hoặc điều chỉnh các chỉ số đo lường.
Trên thực tế, các bảng xếp hạng được hỗ trợ bởi một công ty vì lợi nhuận để khai thác các hoạt động kinh doanh liên quan đến xếp hạng hoặc có mối liên hệ chính trị mạnh mẽ được phản ánh trong các cấp bậc nào đấy trong hệ thống. Khác với các bảng xếp hạng trên, Webometrics sử dụng phương pháp hoàn toàn khách quan, đó là phân tích các dữ liệu khoa học chính thức, các liên kết hay hoạt động của một cơ sở được thể hiện trên website của đơn vị để đánh giá chất lượng. Đây có thể được xem là một bằng chứng thiết thực và mạnh hơn nhiều so với phân tích các khảo sát hiện nay. Theo Webometrics, khảo sát không phải là công cụ thích hợp cho xếp hạng quốc tế vì thậm chí không có một cá nhân nào có kinh nghiệm chuyên sâu để có thể phân tích và khảo sát ý kiến đối với các lĩnh vực đào tạo đa ngành (khoa học cứng, y sinh, khoa học xã hội, công nghệ) theo một mẫu khảo sát chỉ mang tính đại diện (nhưng lại diễn ra ở các châu lục khác nhau) của các trường đại học trên toàn thế giới.
Kết quả nghiên cứu khoa học là tiêu chí quan trọng để xếp hạng theo Webometrics, các kết quả này không chỉ bao gồm các ấn phẩm chính thức (tạp chí điện tử, cơ sở dữ liệu khoa học) mà còn tính cả các tương tác học thuật không chính thức diễn ra như các trao đổi hay seminar giữa các giảng viên, nghiên cứu của sinh viên, tài trợ trong nghiên cứu… Rõ ràng việc xây dựng và phát triển một website tốt, nhiều thông tin hữu ích, có liên quan đến nhà trường sẽ rẻ và thiết thực hơn rất nhiều so với việc tham gia hay duy trì các tiêu chuẩn cao về chất lượng từ nhiều tổ chức bên ngoài khác. Bên cạnh đó, một trang web có chất lượng tốt, số lượng theo dõi và cập nhật nhiều sẽ là kênh thông tin quan trọng, giúp cơ sở tiếp cận dễ dàng với các đối tượng tiềm năng, cũng như phổ biến thông tin cho cộng đồng và địa phương, vốn là những đối tượng có tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến danh tiếng học thuật hay ứng dụng các thành quả nghiên cứu của đơn vị.
Nếu hiệu suất web của một tổ chức thấp hơn vị trí mong đợi của họ về sự xuất sắc (academic excellence), các trường đại học nên xem xét lại chính sách xây dựng và phát triển web, đồng thời thúc đẩy khối lượng và chất lượng các ấn phẩm điện tử ngày càng nhiều hơn, nhờ đó vị trí hay thương hiệu của đơn vị cũng được phát triển ổn định và bền vững hơn.
Lược dịch: TS. Nguyễn Thị Mỹ Ngọc
(Nguồn: https://www.webometrics.info/en/Methodology)
Các tin / bài viết cùng loại: