Slogan_Đại Học Quốc Gia_vn

Tìm kiếm:

ĐHQG-HCM tham gia xếp hạng đại học để khẳng định vị thế, đối sánh quốc tế, liên tục phát triển vươn tầm thế giới

14/04/2023 (Lượt truy cập: 47883)

ĐHQG-HCM tham gia xếp hạng đại học để khẳng định vị thế, 
đối sánh quốc tế, liên tục phát triển vươn tầm thế giới

 Trong bối cảnh cạnh tranh và toàn cầu hoá, việc khẳng định chất lượng đào tạo luôn là một trong những mục tiêu quan trọng của các quốc gia và các trường đại học. Do đó, tham gia các bảng xếp hạng thế giới để nâng cao thương hiệu và khẳng định vị thế về chất lượng đào tạo đang được các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) quan tâm một cách rộng rãi. Với sự chủ động của một hệ thống đại học hàng đầu Việt Nam, trong nhiều năm qua, ĐHQG-HCM đã và đang khẳng định vị trí và uy tín học thuật trên bản đồ toàn cầu thông qua các bảng xếp hạng của QS (Quacquarelli Symonds) và THE (Times Higher Education). Những kết quả đáng khích lệ về xếp hạng quốc tế đã đóng góp tích cực cho mục tiêu nâng cao chất và vươn tầm thế giới của ĐHQG-HCM.

1. 
Xu thế phát triển của xếp hạng đại học quốc tế

Xếp hạng đã được chứng minh là giúp duy trì và xây dựng vị thế và danh tiếng của các cơ sở GDĐH một cách đáng kể, đặc biệt giúp cải thiện cơ hội tuyển chọn sinh viên giỏi trong tương lai. Trong những năm qua, các nhà hoạch định chính sách tại các trường đại học đã sử dụng các bảng xếp hạng như một công cụ để hướng đến đạt được các mục tiêu mang tính vĩ mô như nâng cao chất lượng, quảng bá thương hiệu toàn cầu, duy trì và cải thiện sự tiến bộ trong toàn hệ thống. Hơn 68% các nhà lãnh đạo và quản lý tại các trường đại học đã sử dụng xếp hạng như một công cụ để hoạch định chiến lược phát triển thương hiệu và nâng tầm chất lượng học thuật (QS, 2018[1]). Theo tổ chức IREG (IREG Observatory on Academic Rankings and Excellence) cập nhật đến tháng 10/2022, trên thế giới hiện nay có 51 bảng xếp hạng đại học trên phạm vi toàn cầu và khu vực; đồng thời nhiều quốc gia có bảng xếp hạng các cơ sở GDĐH trong nước (57 bảng xếp hạng quốc gia)[2]. Quy mô của các bảng xếp hạng có xu hướng được mở rộng qua từng năm ở mức dao động từ 10% đến 12% nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu được đối sánh của các cơ sở GDĐH. Điều này đặt ra một thách thức lớn đòi hỏi các trường phải nỗ lực và có những đột phá quan trọng nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh bền vững.

Tại Việt Nam, vấn đề xếp hạng đại học đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn của giới lãnh đạo và quản lý các trường đại học với những thành quả đang được cải thiện đáng kể. Với quan điểm xếp hạng nhằm đánh giá uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động theo tiêu chí nhất định, đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan” và chủ trương“cơ sở GDĐH chủ động lựa chọn, tham gia các bảng xếp hạng có uy tín trong nước, quốc tế”[3], ngày càng nhiều các trường đại học Việt Nam tham gia và đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động này.

2. 
Vị thế tăng dần của ĐHQG-HCM trên bảng xếp hạng

 ĐHQG-HCM đã xác định quan điểm chủ động tham gia xếp hạng đại học thế giới từ năm 2016 thông qua việc cung cấp dữ liệu cho các tổ chức xếp hạng đại học uy tín như QS và THE. Với sự chủ động này, ĐHQG-HCM có thế khẳng định chất lượng, nâng cao uy tín trên bản đồ học thuật toàn cầu; đồng thời, các kết quả xếp hạng đại học sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích để đơn vị thực hiện đối sánh, phục vụ trực tiếp cho mục tiêu liên tục phát triển, đáp ứng tốt các chuẩn mực chất lượng quốc tế.

Năm 2022 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ khi ĐHQG-HCM tiếp tục vươn lên Top 56% đại học xuất sắc nhất thế giới (QS World 2023) và Top 22% đại học xuất sắc nhất Châu Á (QS Asia 2023), tăng 12 bậc trên bảng xếp hạng QS Asia 2023 với vị trí 167 trong số các cơ sở GDĐH xuất sắc nhất Châu Á và vị trí 37 các cơ sở GDĐH xuất sắc nhất khu vực Đông Nam Á.


Hình 1.
Vị trí của ĐHQG-HCM trong nhóm các trường đại học hàng đầu thế giới và Châu Á

Nguồn: Báo cáo kết quả QS World và QS Asia

Về uy tín học thuật, kết quả theo QS cho thấy ĐHQG-HCM tiếp tục là đơn vị dẫn đầu Việt Nam ở tiêu chí Danh tiếng với đồng cấp học thuật và Danh tiếng với Nhà tuyển dụng. Đây là hai tiêu chí ĐHQG-HCM đạt mức tiệm cận Top 100 khu vực Châu Á như mục tiêu đã được xác lập và không ngừng cải thiện qua từng năm. Cụ thể, Danh tiếng với đồng cấp học thuật của ĐHQG-HCM có vị trí xếp hạng 89, Danh tiếng với Nhà tuyển dụng đứng vị trí 117. Kết quả này cho thấy hoạt động kết nối giữa ĐHQG-HCM với các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp ngày càng được quan tâm. Việc cải thiện điểm số ở tiêu chí Danh tiếng với Nhà tuyển dụng có tác động trực tiếp và tích cực đến kết quả của ĐHQG-HCM trên các bảng xếp hạng khác như QS World, QS GER.

Ở các bảng xếp hạng theo ngành, ĐHQG-HCM đang dẫn đầu Việt Nam về số lượng ngành và lĩnh vực đào tạo (gọi chung là ngành). Cụ thể, theo QS Subject, từ một ngành được xếp hạng năm 2021 thì đến năm 2022 ĐHQG-HCM có chín ngành được vinh danh. Trong đó, ngành kỹ thuật Dầu khí (thuộc trường Đại học Bách Khoa), thứ hạng được tăng lên từ top 101– 150 (năm 2021) lên top 50 – 100 thế giới (năm 2022). Theo bảng xếp hạng THE, số lượng ngành được xếp hạng không ngừng tăng lên qua mỗi năm, hiện ĐHQG-HCM có 6 lĩnh vực được vinh danh trên bảng xếp hạng này (trong tổng số 11 lĩnh vực), tăng gấp đôi so với năm 2019.

Đặc biệt, năm 2022 ĐHQG-HCM đã được vinh danh trên bảng xếp hạng Phát triển bền vững của QS (QS Sustainability) với thứ hạng Top 601+, trong đó ĐHQG-HCM đạt thứ hạng 501+ với nhóm tiêu chí tác động môi trường (Environmental Impact) và nhóm tiêu chí tác động xã hội (Social Impact). Đây là bảng xếp hạng mới nhất của QS thực hiện trên phạm vi toàn cầu, góp phần thúc đẩy sự tham gia của các cơ sở GDĐH để giải quyết những thách thức lớn nhất của thế giới về môi trường, xã hội và quản trị.

Những thành tựu nổi bật trên đạt được là do sự đóng góp và nỗ lực rất lớn từ nhiều phía bao gồm đội ngũ lãnh đạo, viên chức, giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên trong toàn hệ thống. Để hoạt động này tiếp tục được phát huy, chủ trương và định hướng của ĐHQG-HCM trong giai đoạn tiếp theo là tiếp tục đầu tư và phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng giảng dạy và thực hiện đổi mới sáng tạo để phát huy vị thế tiên phong, dẫn dắt của ĐHQG-HCM. Đối với hoạt động xếp hạng quốc tế, ĐHQG-HCM tiếp tục triển khai Đề án VNU100 giai đoạn 2021 – 2025 với các giải pháp cụ thể như tăng cường hoạt động quảng bá thương hiệu, hình ảnh của ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên; đẩy mạnh hoạt động tương tác với các đối tác học thuật, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, sinh viên quốc tế; chuẩn hóa công tác xếp hạng tại ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên; đồng thời khuyến khích các đơn vị thành viên chủ động tham gia các bảng xếp hạng uy tín khác.

 

 



[1] https://www.qs.com/4-reasons-why-rankings-matter-in-higher-education/

[3] Điều 9, Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 (Luật 34).

» Gửi ý kiến của Bạn
Các tin / bài viết cùng loại:
© 2018 Trung Tâm Khảo Thí và Đánh Giá Chất Lượng Đào Tạo - ĐHQG TP.HCM.
Powered by Web7Màu.

Địa chỉ: Phòng 403, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, Tp.HCM
Điện thoại: 08.3724.2181, Số nội bộ: 1415 - Fax: 08.3724.2162
Email: ttkt@vnuhcm.edu.vn
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
ĐHQG-HCM tham gia xếp hạng đại học để khẳng định vị thế, đối sánh quốc tế, liên tục phát triển vươn tầm thế giới Rating: 5 out of 10 47883.
Core Version: 1.6.6.0