Slogan_Đại Học Quốc Gia_vn

Tìm kiếm:

ĐHQG-HCM ĐỀ CAO CÔNG TÁC GIẢNG DẠY VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

22/09/2023 (Lượt truy cập: 84404)

ĐHQG-HCM ĐỀ CAO CÔNG TÁC GIẢNG DẠY VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Sáng 21/9, ĐHQG-HCM đã tiếp đón GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (HĐLL TW), Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đến làm việc tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM. PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, đồng chủ trì buổi làm việc.


GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch HĐLL TW, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phát biểu mở đầu buổi làm việc.

 ĐHQG-HCM đạt nhiều thành tựu

Theo Công văn số 857 ngày 11/8/2023 của Thường trực HĐLL TW, Chủ tịch HĐLL TW sẽ có các buổi làm việc với một số cơ quan nghiên cứu khoa học lớn của cả nước, trong đó có ĐHQG-HCM. Buổi làm việc với ĐHQG-HCM là mở đầu của chuỗi các buổi làm việc này.

Theo đó, HĐLL TW muốn lắng nghe các đơn vị đánh giá nguồn lực, phương thức tổ chức, kết quả triển khai, những đóng góp trong công tác lý luận. Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh không chỉ lý luận chính trị (LLCT) mà còn bao gồm lý luận phát triển, lý luận về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, lý luận về những lĩnh vực cụ thể,…

Báo cáo nhanh về kết quả, thành tựu của ĐHQG-HCM qua 28 năm hình thành và phát triển, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết quy mô đào tạo hiện nay của ĐHQG-HCM khoảng hơn 90.000 sinh viên, học viên với 7 trường đại học thành viên. Về chất lượng đào tạo, ĐHQG-HCM có số lượng chương trình đào tạo được kiểm định đứng đầu cả nước, với khoảng 126 được kiểm định quốc tế. Trong nghiên cứu khoa học, ĐHQG-HCM năm 2022 dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế.

Theo Giám đốc ĐHQG-HCM, Chiến lược phát triển ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã xác định mục tiêu: Trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam. Trong đó, có mục tiêu cụ thể là phát triển ĐHQG-HCM trở thành trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) thuộc nhóm hàng đầu châu Á.

Liên quan công tác lý luận, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết trong lĩnh vực nghiên cứu về khoa học LLCT, ĐHQG-HCM có 2 giáo sư, 21 phó giáo sư và 62 tiến sĩ. ĐHQG-HCM ưu tiên cho một số đề tài về lý luận ở cả cấp quốc gia lẫn cấp ĐHQG, đã xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh. Về hợp tác địa phương, ĐHQG-HCM ký kết với 5 tỉnh, thành Đông Nam bộ gồm TP.HCM (hợp tác toàn diện), Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, trong đó đều có nội dung quan trọng là công tác tham mưu, tư vấn, phản biện chính sách cho các địa phương. Về hợp tác quốc tế, ĐHQG-HCM có 2 đối tác chiến lược là ĐHQG Seoul (Hàn Quốc) và ĐHQG Singapore.

Trong hệ thống ĐHQG-HCM, Giám đốc ĐHQG-HCM nhận xét Trung tâm LLCT, hiện đã nâng cấp thành Khoa Chính trị - Hành chính, là đơn vị chủ lực của ĐHQG-HCM trong công tác đào tạo và bồi dưỡng. Hiện nay, Khoa phụ trách 5 môn bắt buộc trong chương trình về vấn đề LLCT. ĐHQG-HCM đào tạo từ bậc đại học lên đến tiến sĩ trong các môn học liên quan LLCT, chủ động tham gia biên soạn nhiều giáo trình phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo LLCT. Đặc biệt, ĐHQG-HCM xây dựng các video bài giảng của những môn học này để đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo thành nguồn học liệu song song với bài giảng trực tiếp trên lớp.


PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, tiếp thu các chỉ đạo tại buổi làm việc.

Nhận thức vai trò của khoa học LLCT

Báo cáo về công tác LLCT tại ĐHQG-HCM, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - thành viên Tổ công tác xây dựng báo cáo về nghiên cứu khoa học LLCT ĐHQG-HCM, cho biết từ khi thành lập, ĐHQG-HCM đã đào tạo hàng trăm cán bộ, chuyên gia LLCT có trình độ cao, công tác tại các cơ quan trung ương, địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. ĐHQG-HCM đã có những quyết sách lớn trong việc đẩy mạnh công tác giảng dạy, nghiên cứu LLCT trong toàn hệ thống, đồng thời đóng góp tích cực vào công tác lý luận chung của trung ương và các địa phương.

ĐHQG-HCM luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học LLCT, có đội ngũ nhà nghiên cứu khá hùng hậu, mang tính chuyên ngành và liên ngành cao. Tuy nhiên, các ngành khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút người học, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu chưa kịp thời bổ sung, phát triển, ĐHQG-HCM thiếu các nhà nghiên cứu đầu ngành, có tầm ảnh hưởng, có khả năng đột phá trong nghiên cứu LLCT,…

Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐLL TW Nguyễn Xuân Thắng đã có một số chỉ đạo đến ĐHQG-HCM. Theo đó, phát huy vai trò của ĐHQG-HCM trong liên kết vùng, trong việc xây dựng các chính sách, bao gồm chính sách phát triển kinh tế trong vùng; tăng cường công tác bảo vệ nền tảng chính trị, tư tưởng của Đảng, của Hồ Chí Minh; chủ động hơn nữa trong hợp tác HĐLL TW, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các cơ quan khác; có báo cáo định kỳ gửi cho HĐLL TW.

Bài, ảnh: LÊ HOÀI

(nguồn vnuhcm.edu.vn)

Các tin / bài viết cùng loại:
© 2018 Trung Tâm Khảo Thí và Đánh Giá Chất Lượng Đào Tạo - ĐHQG TP.HCM.
Powered by Web7Màu.

Địa chỉ: Phòng 403, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, Tp.HCM
Điện thoại: 08.3724.2181, Số nội bộ: 1415 - Fax: 08.3724.2162
Email: ttkt@vnuhcm.edu.vn
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.6.6.0