Slogan_Đại Học Quốc Gia_vn

Tìm kiếm:

Hội thảo trực tuyến "Công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học trong tình hình mới"

16/12/2020 (Lượt truy cập: 188106)


Ngày 16/12/2020, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học trong tình hình mới” với sự đăng ký tham gia của hơn 250 đại biểu đến từ 40 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, trong đó có nhiều đại biểu là lãnh đạo các trường đại học, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, các đánh giá viên của AUN và Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo cho rằng, giáo dục đại học Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức trong bối cảnh mới về yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu về hội nhập quốc tế và trách nhiệm giải trình của hệ thống giáo dục đại học, yêu cầu thực hiện định hướng giáo dục dựa trên đầu ra (OBE), áp dụng khung trình độ quốc gia,… Ở cấp độ khu vực, Bộ tiêu chuẩn đánh giá AUN-QA ngày càng được cải tiến với sự ra đời của phiên bản 4.0, đưa ra những yêu cầu rất mới về đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp của người học, đặc biệt là yêu cầu cao phải đánh giá được chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp. Các yếu tố trên vừa là áp lực, song cũng là động lực rất lớn để các cơ sở giáo dục nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, quan tâm hơn việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, quá trình thiết kế, vận hành chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra và hướng đến đánh giá, kiểm định theo các bộ tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

Hội thảo đã nhận được 18 báo cáo tham luận tập trung vào ba chủ đề chính: xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; xây dựng và phát triển chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra; các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng quốc tế.

Các tham luận báo cáo tại Hội thảo bao gồm: Lồng ghép triết lý giáo dục và các kỹ năng của thế kỷ 21 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam vào các chương trình đào tạo đại học (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM); Hoạt động cải tiến trong quá trình tự đánh giá chương trình đào tạo đáp ứng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo AUN-QA 4.0 (Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG-HCM); Thiết kế và thực hiện đo lường đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo - minh họa qua ví dụ chuẩn đầu ra “có khả năng xác định, hình thành và giải quyết vấn đề kỹ thuật phức tạp” (Đại học Đà Nẵng).

Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã tập trung phân tích và làm rõ những điểm mới quan trọng trong công tác bảo đảm chất lượng, kinh nghiệm chuẩn bị của các đơn vị trước những yêu cầu của tình hình mới nhiều thay đổi, đặc biệt là việc làm thế nào để có thể đo lường, đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo một cách hiệu quả nhất.

Tại Hội thảo, PGS.TS. Ngô Văn Thuyên, thành viên Hội đồng AUN-QA cũng chia sẻ một số thông tin, định hướng chính trong triển khai đánh giá chất lượng của AUN. Theo đó, từ 9/2020 đến nay, AUN đã tiến hành đánh giá 18 lượt cấp chương trình đào tạo bằng hình thức trực tuyến. Với phương thức này, AUN có thể triển khai đánh giá được nhiều chương trình hơn trong thời gian tới. Từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022, AUN sẽ đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo sử dụng song song bộ tiêu chuẩn AUN-QA phiên bản 3.0 và 4.0, từ tháng 10/2022 sẽ bắt buộc sử dụng bộ tiêu chuẩn mới 4.0, do đó, các cơ sở giáo dục cần có sự chuẩn bị thật tốt để đáp ứng yêu cầu này. Đối với đánh giá cấp cơ sở giáo dục, AUN chưa có chính sách về đánh giá từ xa.

Cũng theo PGS.TS. Ngô Văn Thuyên, Bộ tiêu chuẩn AUN-QA phiên bản 4.0 có sự thay đổi cơ bản liên quan đến việc đo lường mức độ đạt chuẩn đầu ra của sinh viên, đây là một quá trình lâu dài và cần được thực hiện ít nhất một năm sau khi đã có bộ công cụ đánh giá hiệu quả. Đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra sẽ làm thay đổi bản chất, cách thức xây dựng và vận hành chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục trong thời gian tới. Bộ tiêu chuẩn mới cũng yêu cầu tăng cường khả năng sáng tạo, khởi nghiệp của người học và sự tham gia của các bên liên quan khi xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình. Ngoài ra, bộ tiêu chuẩn này đã thể hiện các nội dung cụ thể về đánh giá chất lượng trình độ thạc sỹ và tiến sỹ. Theo chuyên gia, bộ tiêu chuẩn 4.0 mới ban hành sẽ giúp các cơ sở giáo dục thuận lợi hơn khi viết báo cáo tự đánh giá, do nhiều nội dung đã được tích hợp trong các tiêu chí và thực hiện theo quan điểm đánh giá tổng thể. 

Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Chính hi vọng Hội thảo sẽ là cơ hội để kết nối các cơ sở giáo dục đại học, góp phần tác động lan tỏa và thúc đẩy quá trình cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.

Ban tổ chức trân trọng cảm ơn sự tham gia của các đại biểu, đặc biệt là các tác giả đã gửi bài tham luận và các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo.

Quý vị có thể tham khảo thông tin về Hội thảo trong đường link dưới đây: https://www.youtube.com/watch?v=WyLJkhlF4XU

Kỷ yếu Hội thảo được đính kèm dưới đây


                                                                                                                                                                     Tin, bài: Tiến Công

Các tin / bài viết cùng loại:
© 2018 Trung Tâm Khảo Thí và Đánh Giá Chất Lượng Đào Tạo - ĐHQG TP.HCM.
Powered by Web7Màu.

Địa chỉ: Phòng 403, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, Tp.HCM
Điện thoại: 08.3724.2181, Số nội bộ: 1415 - Fax: 08.3724.2162
Email: ttkt@vnuhcm.edu.vn
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.6.6.0