Slogan_Đại Học Quốc Gia_vn

Tìm kiếm:

Tập huấn xây dựng và phát triển CTĐT đáp ứng bộ tiêu chuẩn đánh giá cấp chương trình

30/10/2019 (Lượt truy cập: 279368)

Ngày 30-31/10/2019, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo đã tổ chức khóa tập huấn “Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo đáp ứng bộ tiêu chuẩn đánh giá cấp chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, với sự tham gia của 98 cán bộ, giảng viên đến từ 19 trường đại học trong và ngoài ĐHQG-HCM.

Mục tiêu của khóa tập huấn nhằm giúp cán bộ, giảng viên hiểu rõ các mô hình bảo đảm chất lượng (BĐCL) cấp chương trình đào tạo (CTĐT), những yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo, các yêu cầu về bảo đảm và kiểm định chất lượng cấp CTĐT, quy trình xây dựng và phát triển CTĐT đáp ứng chuẩn đầu ra, yêu cầu kiến tạo thống nhất (constructive alignment) của các yếu tố về mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra, đánh giá, hiểu và vận dụng các công cụ xây dựng chuẩn đầu ra, đề cương môn học, thang đánh giá để đạt được chuẩn đầu ra,…

TS. Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo, trưởng ban giảng huấn nhấn mạnh vai trò trung tâm của chuẩn đầu ra trong CTĐT. Giáo dục đại học đang có xu hướng chuyển từ "giáo dục hướng nội dung" (content-based education) sang "giáo dục hướng đầu ra" (outcomes-based education - OBE), trong đó cần đảm bảo mối liên kết chặt chẽ giữa chuẩn đầu ra với các hoạt động dạy, học và kiểm tra đánh giá sinh viên, nhằm tạo ra những tác động tổng hợp, hiệu quả.

Ma trận chuẩn đầu ra-môn học đóng vai trò quan trọng, là công cụ đánh giá giúp xác định những kiến thức, kỹ năng nào được trang bị thông qua chương trình dạy học, môn học nào đảm nhận, giúp nhà trường xác định tiến trình trang bị các kiến thức/kỹ năng thông qua những chuỗi môn học có được sắp xếp hợp lý và đầy đủ các cấp độ để đảm bảo giúp người học đạt được chuẩn đầu ra của chương trình hay không? Ma trận có thể giúp người thiết kế dễ dàng phát hiện những điểm còn tồn tại của chương trình như những khoảng trống (chuẩn đầu ra không có môn nào đảm nhận), những khoảng trùng lắp (chuẩn đầu ra có quá nhiều môn học đảm nhận), tình trạng thiếu nhất quán (tiến trình giảng dạy chưa đầy đủ các cấp độ và chưa hợp lý về trình tự). Đối với đề cương môn học, đây là bản cam kết giữa giảng viên và sinh viên về nội dung và cách thức thực hiện khóa học, là minh chứng cho chất lượng giảng dạy, công cụ định hướng và hỗ trợ cho quá trình dạy học. Tất cả các hoạt động trên nếu được triển khai hiệu quả sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, cũng như giúp nâng cao chất lượng đào tạo.

Tại khóa tập huấn, các học viên đã tham gia thực hành xây dựng mục tiêu đào tạo, danh mục chuẩn đầu ra, ma trận chuẩn đầu ra môn học, sử dụng rubrics trong đánh giá,... Kết thúc khóa tập huấn, các cán bộ, giảng viên tham gia đủ điều kiện sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành khóa học.

Các tin / bài viết cùng loại:
© 2018 Trung Tâm Khảo Thí và Đánh Giá Chất Lượng Đào Tạo - ĐHQG TP.HCM.
Powered by Web7Màu.

Địa chỉ: Phòng 403, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, Tp.HCM
Điện thoại: 08.3724.2181, Số nội bộ: 1415 - Fax: 08.3724.2162
Email: ttkt@vnuhcm.edu.vn
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.6.6.0