Slogan_Đại Học Quốc Gia_vn

Tìm kiếm:

Tọa đàm “Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học”

15/02/2017 (Lượt truy cập: 325726)

Sáng 10/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chương trình tọa đàm “Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học”. Chương trình tọa đàm nhằm thẳng thắn nhìn nhận những mặt đã làm được và chưa được của công tác kiểm định chất lượng giáo dục thời gian qua. Đồng thời làm rõ hơn mục tiêu và giải pháp về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư mới đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến rộng rãi dư luận.

Tham dự buổi tọa đàm có PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS. TS. Nguyễn  Quý Thanh - Giám đốc Trung tâm KĐCLGD ĐHQGHN; PGS. TS. Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm KĐCLGD, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Văn Long - Chủ tịch HĐ Trường ĐH Giao thông vận tải HN.


Các khách mời tham gia buổi Tọa đàm sáng ngày 10/2.

Thay đổi là tất yếu

PV: Thưa Cục trưởng Mai Văn Trinh, ông có thể cho biết những kết quả nổi bật của công tác KĐCLGD đại học trong thời gian qua? Và đâu là những bất cập trong công tác KĐCLGD?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Thời gian vừa qua khi kiểm định chất lượng đại học được đưa vào vận hành trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã đi được bước khá dài, có được những kết quả đáng ghi nhận, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Trước hết chúng ta phải khẳng định rằng, đến nay trong nhận thức và hành động từ cán bộ quản lý đến đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực. Xem kiểm định chất lượng như một giải pháp quan trọng để duy trì và phát triển nhà trường bằng chính chất lượng đào tạo của trường.

Thứ hai, đến nay hệ thống văn bản để đảm bảo cho kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong mỗi nhà trường và hoạt động đánh giá ngoài về cơ bản đã đầy đủ. Thể hiện từ Nghị định của Chính phủ, Luật Giáo dục Đại học, thông qua các thông tư, các văn bản hướng dẫn.

Thứ ba, cho đến nay hầu hết các trường đại học của Việt Nam đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá và trong số đó, có 32 trường đã được đánh giá ngoài, 12 trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng.

Bên cạnh đánh giá của nhà trường, nhiều chương trình đào tạo cũng được đánh giá theo chuẩn trong nước và quốc tế. Cụ thể đã có 5 chương trình được đánh giá theo chuẩn của các nước và hơn 80 chương trình được đánh giá và đạt chuẩn quốc tế.

Một điểm nổi bật nữa, đến nay đội ngũ đảm bảo cho hoạt động kiểm định chất lượng từ bên ngoài đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ. Cụ thể có hơn 700 người đã hoàn thành các khóa đào tạo kiểm định viên, trong đó có 240 người đã được cấp thẻ kiểm định viên.

Tuy nhiên chúng ta thẳng thắn nhìn thấy vẫn còn những bất cập trong công tác kiểm định chất lượng đại học.

Thứ nhất, nhận thức, chuyển biến của cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường đại học hiện nay chưa đồng đều, kéo theo chất lượng tự báo cáo đánh giá của các nhà trường mới ở mức độ chưa đạt được yêu cầu đặt ra.

Thứ hai, cho đến nay mặc dù hệ thống văn bản đã khá hoàn chỉnh song các chế tài để khuyến khích các trường làm tốt, đặc biệt là xử lý những trường làm chưa tốt, chưa thực sự chú trọng đến công tác kiểm định chưa mạnh.

Thứ ba, các bộ công cụ đánh giá hiện nay ở chừng mực nào đó chưa theo kịp được sự vận hành, phát triển rất nhanh của thực tế giáo dục đại học, đặc biệt là theo chuẩn quốc tế.

Chính vì thế việc cần thiết phải xây dựng một bộ thông tư mới, bộ công cụ mới như một thang thước để đạt được chuẩn của khu vực để các trường lấy đó đánh giá để xem mạnh ở đâu, chỗ nào chưa được để từng bước tiếp tục duy trì điểm mạnh, khắc phục những hạn chế, từng bước theo chiến lược cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực. Bằng cách ấy trong một thời gian chúng ta sẽ có được bước chuyển biến rõ nét về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

PV: Thưa GS. TS Nguyễn Quý Thanh, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã có quy định về tiêu chuẩn với 61 tiêu chí, ông đánh giá như thế nào về 61 tiêu chí đó và đâu là lý do để Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng 25 tiêu chuẩn mới với 111 tiêu chí?

GS. TS Nguyễn Quý Thanh: Hiện nay bộ tiêu chuẩn đánh giá các trường đại học Việt Nam bao gồm 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí, trước khi có bộ tiêu chuẩn đánh giá này đã có một bộ tiêu chuẩn ít tiêu chuẩn và tiêu chí hơn năm 2004. Bộ tiêu chuẩn khi đó đã được 20 trường đại học áp dụng để đánh giá ngoài.

Sau một thời gian thực hiện, năm 2007, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh thành bộ tiêu chuẩn hiện hành. Về nội dung bộ tiêu chuẩn đã bao trùm nội dung của các trường đại học, từ sứ mạng mục tiêu đến tổ chức quản lý, tổ chức đào tạo, đội ngũ cán bộ, người học, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, cơ sở vật chất và tài chính.


GS. TS Nguyễn Quý Thanh trao đổi với các khách mời trong cuộc Tọa đàm.

Tuy nhiên giáo dục liên tục có sự vận động, các chức năng của trường đại học đã có sự thay đổi. Gần đây chúng ta nói nhiều đến các trường đại học 1.0, 2.0, 3.0, 4.0. Nhìn vào nội hàm của các trường đại học này sẽ thấy rất nhiều nội dung mới của giáo dục đại học, trong đó có chức năng được nhấn mạnh nhiều hơn trước đât trong mô hình đại học cũ chưa được đề cập đến.

Với xu thế đó việc bổ sung những đánh giá mới về chất lượng giáo dục đại học là cần thiết.

Bộ tiêu chuẩn hiện hành tiếp cận nhiều theo cách tiếp cận quản trị chất lượng theo quản trị quyết định, điều này cần thiết trong giai đoạn đầu phát triển của các nhà trường nhưng xu thế quản trị khi chất lượng được nâng lên, khi các trường đại học có được nhận thức tốt hơn về xây dựng văn hóa chất lượng, việc áp đặt sẽ không mang lại hiệu quả bằng quản trị nguyên lý và nguyên tắc.

Việc chuyển từ bộ tiêu chuẩn 10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí sang 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí là đi theo hướng như vậy. Tuy nhiên việc hình thành văn hóa chất lượng ở các trường đại học Việt Nam chưa rõ ràng nên vẫn phải có quản trị theo nguyên tắc. Cho nên một số trường sẽ cảm thấy mình bị áp một số nguyên tắc vào quá trình đánh giá cũng sẽ dễ hiểu.

Bộ tiêu chuẩn hiện hành không báo quát hết các chức năng vốn có của các trường đại học, ví dụ kết nối với cộng đồng thì trong bộ tiêu chuẩn mới được đề cập đầy đủ hơn.

Các trường đại học hiện nay không chỉ thực hiện việc đào tạo, việc nghiên cứu mà còn phải đóng góp trở lại để kết nối cộng đồng tốt hơn, phù hợp với xu thế của Việt Nam hiện nay. Tôi muốn nhấn mạnh đến nghiên cứu đào tạo phục vụ ứng dụng, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về chuyên môn, bản chất các tiêu chuẩn đánh giá chỉ phù hợp trong một giai đoạn nhất định nên sự thay đổi khá thường xuyên. Ví dụ ở Hoa Kỳ mỗi năm họ thay đổi nhỏ một lần, 5 năm họ thay đổi lớn một lần.

Các trường đại học càng phát triển bao nhiêu thì đòi hỏi càng lớn lên bấy nhiêu chứ không phải bỏ bớt tiêu chí đánh giá đi.

PV: Thưa PGS. TS Nguyễn Phương Nga, là giám đốc trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) bà thấy bộ tiêu chuẩn với 111 tiêu chí có thực sự đánh giá được toàn diện chất lượng các cơ sở giáo dục đại học?

PGS. TS Nguyễn Phương Nga: Tôi tiếp cận ở góc độ là ta cần có sự thay đổi bộ tiêu chuẩn hiện hành bởi lý do rất đơn giản là, qua 5 năm phát triển, tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, kinh tế - xã hội của cả Việt Nam và thế giới thì rõ ràng yêu cầu đòi hỏi cách đây 5 năm sẽ không phù hợp với thời điểm hiện tại và bắt kịp với xu hướng của thế giới.

Hơn nữa bộ tiêu chuẩn 111 tiêu chí được xây dựng trên bộ tiêu chuẩn của các trường đại học tiên tiến khu vực ASEAN, đó sẽ là cầu nối để các trường đại học của Việt Nam hòa vào chất lượng chung của khu vực. Bộ tiêu chuẩn của ASEAN cũng giao thoa khá lớn với bộ tiêu chuẩn của Châu Âu và của Bắc Mỹ nên bộ tiêu chuẩn đang dự thảo sẽ là một điểm để đưa giáo dục đại học Việt Nam hòa nhập cùng thế giới.

Mặc dù nhiều tiêu chí hơn nhưng chi tiết hơn và đòi hỏi các trường đại học phải phấn đấu để đào tạo ra các sản phẩm tốt.

PV: Thưa PGS. TS Nguyễn Văn Long, Trường Đại học Giao thông Vận tải (ĐH GTVT) là một trong 2 trường đại học đầu tiên của cả nước đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp trường, ông cho biết ý kiến của ông về việc Bộ GD-ĐT xây dựng quy định mới có ý nghĩa như thế nào đối với các trường đại học nói chung và trường Đại học GTVT nói riêng?

PGS.TS Nguyễn Văn Long: Năm 2007, Trường ĐH GTVT là một trong 20 trường thực hiện đánh giá ngoài theo bộ tiêu chuẩn vào thời điểm đó. Đến đầu năm 2016, Trường ĐH GTVT lại là một trong hai trường được công nhận kiểm định chất lượng đại học.

Trường chúng tôi quan điểm luôn luôn cầu thị, luôn luôn muốn biết mình ở đâu trong hệ thống các trường đại học của Việt Nam và khối các nước khu vực Châu Á để hướng đến cải tiến và nâng cao chất lượng. Vì vậy, kiểm định chất lượng giáo dục là một công cụ hữu hiệu để giúp nhà trường làm được việc đó.

Dưới góc độ đã kiểm định hai lần, chúng tôi nhận thấy sự cần thiết và tất yếu thay đổi bộ tiêu chuẩn mới. Trong quá trình kiểm định liên quan đến tự đánh giá, chúng tôi thấy trong bộ tiêu chuẩn hiện hành có một số tiêu chí, một số nội dung tương đối lạc hậu, ví dụ như biên chế, một số hoạt động đoàn thể chiếm tương đối khâu đánh giá, nếu thêm vào sẽ bớt tiêu chí khác, hàm lượng đánh giá bớt đi.

Có một số tiêu chí hiện nay rất nóng đối với nhà trường hiện nay lại chưa có. Trường chúng tôi có những phần rất mạnh nhưng trong kiểm định lại không đề cập đến việc này, không phản ánh được hết chất lượng.


PGS.TS Nguyễn Văn Long cho biết, Thông tư dự thảo có nhiều nội dung mới, những nội dung
đó cần cho xã hội bây giờ, trong khi đối với các cơ sở giáo dục rất khó tìm những thông
tin đó, vì lâu nay chúng ta làm theo thói quen.

Bộ đã đưa ra một thông tư dự thảo mới, chúng tôi đã đọc qua nhận thấy tương đối lấp được những khoảng trống trong bộ tiêu chuẩn hiện hành. Vì vậy, việc chọn bộ tiêu chuẩn AUN-QA để công bố trong thời điểm hiện nay là hoàn toàn phù hợp.

PV: Thưa PGS. TS Mai Văn Trinh, điểm mới của Dự thảo đó là bộ tiêu chuẩn được xây dựng trên cơ sở bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục mới được AUN-QA công bố tháng 6/2016, thưa Cục trưởng, điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của Việt Nam?

PGS. TS Mai Văn Trinh: Sự chuyển đổi từ bộ công cụ hiện hành sang bộ công cụ mới là tất yếu và phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục đại học. Bộ công cụ hiện hành về cơ bản khá toàn diện, tuy nhiên với bộ công cụ mới đang dự thảo sẽ đề cập rất toàn diện đến các hoạt động của nhà trường.

Ở đó, có sự nhấn mạnh vào các trọng tâm. Ví dụ, bộ công cụ hiện hành nhấn mạnh vào hoạt động nghiên cứu, bộ công cụ mới nhấn mạnh vào yếu tố phục vụ cộng đồng. Đó là sự hài lòng của các bên liên quan về cơ sở giáo dục đại học đó. Để có sự hài lòng của các bên liên quan, cũng thể hiện sự giám sát của xã hội với cơ sở giáo dục đại học, thì để khẳng định được mình bản thân các cơ sở giáo dục đại học phải có sự chuyển đổi, đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt bộ công cụ mới nhấn mạnh tới tính hệ thống đảm bảo chất lượng, cụ thể hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của nhà trường hoạt động thế nào để các điều kiện đảm bảo chất lượng phát huy hiệu quả. Trong đó từng bước hình thành văn hóa chất lượng trong nhà trường.

Khi văn hóa chất lượng có sự thay đổi những thành viên liên quan thì mọi thành viên liên quan sẽ phải hoạt động trong hệ thống ấy. Nếu tất cả các trường đại học ở Việt Nam vận hành, đánh giá theo bộ công cụ mới thì đòi hỏi phải có sự chuyển đổi từ nội tại của nhà trường một cách toàn diện có mục tiêu, có định hướng, hướng tới sự hài lòng của các bên liên quan, trước hết là sự hài lòng của sinh viên, gia đình và xã hội. Và đây là xu hướng đúng.

Hệ thống này khi được đưa vào đánh giá sẽ tạo động lực cho các nhà trường, chất lượng nguồn nhân lực được tăng lên.

PV: So với quy định hiện hành, Dự thảo Thông tư đang lấy ý kiến có những điểm mới về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, cách đánh giá, quy trình đánh giá đối với các học viện, trường đại học, PGS. TS Nguyễn Quý Thanh đánh giá như thế nào về những thay đổi này? 

PGS. TS Nguyễn Quý Thanh: Trước hết điểm mới đầu tiên tiếp cận cơ bản khác nhau. Dựa trên cơ sở gốc như vậy, bộ tiêu chuẩn mới dựa trên một chu trình quản lý chất lượng rất tiên tiến, lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra giám sát, cải tiến sau quá trình kiểm tra giám sát. Với cách chi tiết hóa việc đánh giá dễ hơn, nhìn ra điểm tồn tại cũng dễ hơn. Tự đánh giá cũng dễ hơn và người bên ngoài đánh giá cũng dễ hơn. Từ đấy, tìm những giải pháp khắc phục sẽ dễ hơn. Chúng ta sẽ biết mắc ở khâu nào, lập kế hoạch, triển khai hay khâu kiểm tra giám sát, hay việc chúng ta có kết quả kiểm tra giám sát rồi nhưng không cải tiến chất lượng so với kết quả đánh giá.

Yếu tố thứ 2 là cách đánh giá, cách đánh giá theo thông tư dự thảo rất hay ở 7 mức. Nếu đánh giá được theo 7 mức, chúng ta sẽ biết được chúng ta đang ở mức nào và chúng ta đang ở đâu, còn thông tư hiện hành chỉ có 2 mức đạt và chưa đạt. Rõ ràng đạt và chưa đạt để chúng ta sử dụng kết quả đó để biết được chúng ta khỏe hay rất khỏe chưa đạt yêu cầu.

Yếu tố thứ 3 là yếu tố quy trình. Tôi thấy yếu tố quy trình giữa 2 thông tư: thông tư dự thảo và thông tư hiện hành có nét tương đồng. Chính vì điều đó cũng thuận lợi cho các cơ sở mới kiểm định theo thông tư mới nếu như thành hiện thực đạt thuận lợi.

Công khai kết quả kiểm định

PV: Thưa PGS. TS Mai Văn Trinh, để chuẩn bị cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, ông có thể cho biết hiện nay Bộ đã thành lập bao nhiêu trung tâm, và số lượng trung tâm đó có đáp ứng được yêu cầu  kiểm định cho hàng trăm các trường ĐH như hiện nay không?

PGS. TS Mai Văn Trinh: Hiện nay có 4 trung tâm kiểm định chất lượng được thành lập và đã đi vào hoạt động: Trung tâm KĐCL ĐH Quốc gia Hà Nội, Trung tâm KĐCL ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trung tâm KĐCL ĐH Đà Nẵng, Trung tâm KĐCL Hiệp hội ĐH, CĐ Việt Nam.

Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự nỗ lực của các trung tâm trong thời gian qua. Là một mô hình mới, ngay sau khi được cấp phép hoạt động, các đơn vị được sự hỗ trợ của các đơn vị chủ quản, đã rất nỗ lực cùng Bộ GD&ĐT, đến nay đã đánh giá ngoài 32 cơ sở GDĐH. Hiện nay với quy mô 270 trường ĐH, chu kỳ kiểm định là 5 năm, vậy 1 năm chúng ta phải đánh giá 50-60 trường.

Với nguồn lực là 4 trung tâm như hiện nay, với sự cố gắng nỗ lực chúng ta cũng có thể hoàn thành được. Tuy nhiên để đẩy nhanh tiến độ này, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ có một số giải pháp.

Trước hết là sẽ có những giải pháp hỗ trợ cho các trung tâm này mạnh thêm lên, hoạt động hiệu quả hơn. Thứ hai là xem xét nếu đáp ứng các yêu cầu có thể thành lập thêm một số trung tâm mới phù hợp với nhu cầu đánh giá, nhu cầu của các hoạt động hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Và đặc biệt là phải đáp ứng được yêu cầu đối với bản thân trung tâm đó. Đồng thời song song với việc tiến hành kiểm định chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn và do các trung tâm trong nước tiến hành, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường, các chương trình đào tạo tiến hành đánh giá ngoài theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Bằng cách vận hành như vậy, tôi cho rằng với lộ trình và sự vào cuộc, đồng bộ từ Bộ GD&ĐT, các trung tâm, hệ thống các trường đại học, hoạt động của chúng ta sẽ có sự chuyển biến và đạt được tiến độ đề ra.

GS. TS Nguyễn Quý Thanh: Khi đặt vấn đề về số lượng trung tâm KĐCL và việc tiến độ, chúng ta nên đặt vấn đề theo hướng là số lượng những người đi đánh giá họ có đủ số lượng để đi đánh giá không. Bởi số lượng trung tâm không quan trọng bằng số lượng người có đủ năng lực để đi đánh giá. Số lượng kiểm định viên bao nhiêu người, vì thông thường ta yêu cầu số lượng đoàn chứ một trung tâm có thể thực hiện đánh giá của nhiều đoàn khác nhau.

Thứ 2 là đối với một số lĩnh vực cạnh tranh, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến hệ quả, tương tự như ở Hoa Kỳ, cơ quan kiểm định nhưng lại cấp ra chứng chỉ kiểm định không đảm bảo. Ở đây vẫn phải đảm bảo sự độc lập, ổn định trong hoạt động của hệ thống.

Ví dụ ở những trường trong khu vực, Philippin chẳng hạn, họ có 2 cơ quan kiểm định cho khoảng 1.000 trường đại học, các trường trong ASEAN chỉ có 1 cơ quan kiểm định, Hoa Kỳ thì có 6 cơ quan kiểm định cho 4000 - 5000 trường đại học. Quan trọng ở đây là số lượng người đi đánh giá chứ không phải số lượng trung tâm, số lượng trung tâm phát triển tới một mức độ nào đó thì sẽ dẫn đến một hệ quả là chất lượng hoạt động trung tâm sẽ giảm đi, bởi nó đưa đến hiện tượng cạnh tranh không đồng đều.

Tuy nhiên, nếu chúng ta phát triển các cơ quan kiểm định đối với cấp trường không nên quá nhiều, ở một mức độ hợp lý nhưng đối với kiểm định cấp chương trình đào tạo có thể phát triển nhiều hơn vì số lượng rất nhiều. Nếu các hiệp hội  nghề nghiệp có thể tham gia vào phát triển chương trình đào tạo, phát triển các tổ chức kiểm định để đánh giá mang tính chuyên biệt đối với chương trình đào tạo hơn là phát triển các tổ chức đối với cơ sở giáo dục.

Hiện nay xu hướng này, những cái thuộc về cơ sở giáo dục thường là các cơ quan quản lý nhà nước sẽ điều tiết. Điểm nữa là muốn các ông hoạt động độc lập theo các hướng khác nhau, kể cả 3 trung tâm đặt trong các trường đại học, họ lại không được đánh giá và kiểm định cho chính các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo của chính cơ sở đó. Tức là họ được nhận một sự hỗ trợ nhất định nào đó nhưng lại không được tham gia đánh giá, họ được nhận sự bảo trợ, và nhờ sự hỗ trợ cho một số năm đầu tiên, ý nghĩa nó như vậy.

Còn trung tâm của hiệp hội thì họ được đánh giá trên phạm vi toàn quốc, riêng các trung tâm của các trường đại học không được phép đánh giá và kiểm định các cơ sở đạo tạo và chương trình đào tạo thuộc chính các trường đó.

PV: Như GS. Thanh vừa chia sẻ, GS đã nhấn mạnh nhân tố con người để có thể đi kiểm định chứ không phải số lượng các trung tâm. Thưa ông, các trung tâm KĐCL đã chuẩn bị chuẩn bị và tiến hành công việc này như thế nào?

GS. TS Nguyễn Quý Thanh: Nhiều người ví các trung tâm kiểm định như bệnh viện, nhưng tôi nghĩ bệnh viện mang tính chất y tế dự phòng hơn mang tính chất lâm sàng, khi phát bệnh mới đến. Cơ quan kiểm định phải giống như y tế dự phòng, làm sao phòng ngừa để không xảy ra bệnh tật. Đó là lý do tại sao trong kiểm định hay yêu cầu tính định kỳ, định kỳ đánh giá 5 năm/lần, định kỳ rà soát chương trình đào tạo 2 năm/lần…

Chính vì vậy chuẩn bị đội ngũ cho những người có khả năng làm sao thực hiện cơ chế riêng phòng từ trước để các trường đại học có những cơ chế và giải pháp để họ cải tiến chất lượng tốt hơn. Đội ngũ con người, kiểm định viên và những người có khả năng đi đánh giá, họ là những người không chỉ thuần túy nắm vững tiêu chuẩn, tiêu chí, họ phải hiểu và nắm bắt được rất rõ nội hàm tiêu chuẩn, tiêu chí, quan trọng nhất là phải cực kỳ hiểu về giáo dục. Bên cạnh đó là sự giải thích đúng về các tiêu chuẩn tiêu chí.

Cần có khả năng thu thập và phân tích thông tin tốt. Đó là liên quan đến phát triển đội ngũ, các trung tâm kiểm định đầu tiên là để tập trung phát triển bồi dưỡng đội ngũ đó. Bất cứ ở quốc gia nào, khi các đoàn đi đánh giá, họ tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể cho các thành viên trong đoàn. Bởi những thành viên trong đoàn thường là thầy cô làm lãnh đạo như hiệu trưởng, hiệu phó… Cho dù họ được đào tạo, tập huấn trong một thời gian nhất định, nhưng vì công việc chính của họ là đào tạo, quản lý tại nhà trường cho nên rất cần việc cập nhật, bổ sung kiến thức cho họ trong việc nắm bắt thông tư, tiêu chuẩn, tiêu chí mới.

Như đánh giá ở Việt Nam, chúng ta phải dựa vào rất nhiều quy định. Một đoàn đánh giá không thể nói rằng một trường không thực hiện tốt quy định mà mình lại thông qua. Bởi đầu tiên đoàn đánh giá phải rà soát việc thực hiện tốt quy định đã, về đánh giá tuân thủ rất quan trọng.

Cho nên cái đầu tiên và quan trọng nhất là đào tạo huấn luyện thật tốt đội ngũ đó, trong đó có những thành phần khác nhau: trưởng đoàn, thư ký, thành viên trong đoàn đánh giá. Đào tạo sao với số lượng người càng đông thì việc tổ chức nhiều đoàn đánh giá càng thuận lợi và chất lượng hơn.

Công khai là cách quảng cáo hiệu quả cho các nhà trường

Trong quá trình đánh giá bên ngoài thì việc phối hợp giữa các bên liên quan được thực hiện như thế nào, quy định mới trong dự thảo Thông tư kiểm định chất lượng có phù hợp hay không?

PGS. TS Nguyễn Phương Nga: Để được kiểm định một cách khách quan, công bằng và chính xác thì không chỉ có đánh giá ngoài mà còn yêu cầu nhiều đơn vị liên quan vào cuộc. Ở cấp vĩ mô, đầu tiên là Bộ GD&ĐT có những chỉ đạo về mặt văn bản để có quy định nhất quán tới các trung tâm kiểm định và các kiểm định viên thực thi.

Đối với đội ngũ kiểm định viên, trước hết phải giỏi, không những giỏi về kĩ năng đánh giá mà giỏi  về cả cách ứng xử. Bởi đánh giá không phải các trường đã đồng ý ngay, mà làm sao đưa ra được kết luận mà trường tâm phục khẩu phục. Kiểm định viên phải đưa ra được những tư vấn để giải quyết những tồn tại của trường, hướng đi như thế nào, điểm mạnh nào cần bứt phá...


PGS. TS Nguyễn Phương Nga cho rằng, Mặc dù nhiều tiêu chí hơn nhưng chi tiết hơn
và đòi hỏi các trường đại học phải phấn đấu để đào tạo ra các sản phẩm tốt.

Kiểm định viên phải hội chẩn, trước khi đánh giá ngoài phải tập huấn và hội chuẩn chung, sau mỗi ca làm việc lại hội chuẩn cả đoàn đánh giá ngoài. Muốn làm được những việc này thì phải có thông tin, từ lãnh đạo nhà trường cho tới sinh viên, cựu sinh viên, bảo vệ phải vào cuộc; thậm chí mời cả nhà tuyển dụng ở các lĩnh vực khác  nhau mà có sử dụng sinh viên của trường được mời đến phỏng vấn. Trên tinh thần hỗ trợ, đánh giá chính xác, hỗ trợ trường để cải tiến đi lên. Do đó mới cần sự vào cuộc của các bên liên quan trong đánh giá.

PV: Khi triển khai, áp dụng đánh giá kiểm định thì có những khó khăn và thuận lợi gì đối với bộ tiêu chuẩn mới?

PGS. TS Nguyễn Văn Long: Theo thông tư dự thảo, và thông tư hiện hành thì có 3 yếu tố cần quan tâm; cách đánh giá, bộ tiêu chuẩn và quy trình. Quy trình của hai thông tư tương đối tương đồng, riêng hai bộ tiêu chuẩn và cách đánh giá có những cái khó khăn và thuận lợi, vì bản thân trường từng đánh giá bằng bộ tiêu chuẩn hiện hành hai lần (2009 và 2016).

Thứ nhất, khó khăn lớn là số tiêu chí của Thông tư dự thảo nhiều hơn rất nhiều thông tư hiện hành (111 so với 61), có phát sinh thêm 33 tiêu chí mà không có trong thông tư hiện hành. Từng đó cũng đã giải quyết rất nhiều nội dung bổ sung. Thông tư dự thảo có nhiều nội dung mới, những nội dung đó cần cho xã hội bây giờ, trong khi đối với các cơ sở giáo dục rất khó tìm những thông tin đó, vì lâu nay chúng ta làm theo thói quen.

Để hòa nhập với các nước Asean và thế giới thì chúng ta phải đưa tất cả những tiêu chí đó vào, vì mục đích của đào tạo là đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Thứ hai, đối với thông tư dự thảo thì một nội dung có thể chia nhỏ nhiều điều hơn so với thông tư hiện hành. Do đó, việc tìm kiếm, mô tả cũng khó.

Thông tư dự thảo có nhiều ưu việt và tương lai sẽ có hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng của các trường, các trường tự vào đó để cải tiến, nâng cao chất lượng một cách bài bản và chi tiết cụ thể hơn so với thông tư hiện hành.

Cách đánh giá của thông tư hiện hành chỉ có hai múc: đạt và chưa đạt. Còn cách đánh giá của thông tư dự thảo có nhiều mức: Tốt, khá, trung bình, yếu kém..., khi chia nhỏ sẽ khó khăn trong việc đánh giá. Nhưng ngược lại cũng có thuận lợi, vì chia nhỏ như vậy trong từng tiêu chí, từng nội dung  khi đã đánh giá thì bản thân nhà trường biết được tiêu chí đó, nội dung đó mình đang ở mức độ nào. Căn cứ vào đó thì nhà trường sẽ có thuận lợi hơn trong việc cải tiến và nâng cao chất lượng sau này. 

PV: Một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục đại học là phải đào tạo được người lao động có đủ kiến thức, kĩ năng để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Vậy khi đưa ra những tiêu chuẩn đánh giá, Bộ có cụ thể và ưu tiên với các cơ sở giáo dục đại học trong việc liên kết với các doanh nghiệp cũng như các cơ quan đơn vị đào tạo sinh viên theo hướng thực nghiệm?

PGS. TS Mai Văn Trinh: Không phải bây giờ Bộ GD&ĐT mới nói tới việc này, ngay từ khá lâu chúng ta đã có chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là trong khu vực đào tạo đại học – trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực, và nhân lực chất lượng cao. Mối liên hệ giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc. Mối liên hệ này xuất phát từ việc dự báo tình hình, thông qua đó xây dựng thiết kế chương trình đào tạo đến thực hiện quá trình đào tạo, đánh giá sinh viên.

Trong thời gian quan, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, trong đó có nhiều cơ sở giáo dục đại học đã gắn kết tốt với doanh nghiệp trong tất cả các khâu, kết quả là chất lượng đào tạo tốt và sinh viên ra trường có việc làm. Trong các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, kể cả bộ hiện hành đều có khá nhiều các tiêu chuẩn, tiêu chí đề cập đến  mối liên hệ giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, trong đó thể hiện qua các chỉ số : quá trình đào tạo, quản lí đào tạo, đánh giá sinh viên, hỗ trợ sinh viên của các doanh nghiệp.

Trên thế giới thì mối liên hệ ràng buộc giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học được ghi trong luật. Vì mối liên hệ này mang lại lợi ích cho cả hai bên: cơ sở giáo dục đại học cử sinh viên về doanh nghiệp kia thực hành. Bộ cũng muốn doanh nghiệp đã tham gia cần đẩy mạnh và cụ thể hơn nữa, cũng muốn đến một thời điểm cụ thể nào đó thì mối liên hệ này sẽ được ghi ở trong luật theo hướng “trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo đại học”.

PV: Theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng hiện hành có yêu cầu mời người sử dụng lao động tham gia vào quá trình đào tạo để chương trình phù hợp với yêu cầu của xã hội. Vậy quan điểm của ông về điều này như thế nào?

GS. TS Nguyễn Quý Thanh: Trong các quy trình về xây dựng chương trình đào tạo cũng như trong tiêu chuẩn kiểm định chất lượng thì có hẳn yêu cầu khi xây dựng chương trình đào tạo mới, hoặc điều chỉnh chương trình đào tạo hiện có phải có sự tham gia của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động chính là người đặt ra những yêu cầu về sản phẩm đào tạo.

Do đó, khi tham gia đánh giá ngoài tại các cơ sở giáo dục thì một trong những điều mà đoàn đánh giá bắt buộc phải có tham gia ý kiến là đại diện của các doanh nghiệp có sử dụng lao động cơ sở giáo dục đại học. Mục đích để xem hai bên tham gia vào những đâu. Các cơ sở lao động sử dụng lao động của nhà trường khi nhà trường có yêu cầu đóng góp để phát triển chương trình đào tạo thì bên sử dụng lao động tham gia tới đâu!

Về quy mô, điều này quan trọng để xác định quy mô đào tạo, nhưng các trường đại học thường quên hoặc không đề cập rõ ràng. Về mặt thị trường, thị trường cần lao động có tính chất như thế nào, quy mô ra làm sao thì trường mới đưa ra bài toán quy mô tuyển sinh, đó là tính toán quy mô tuyển sinh theo đầu ra và theo thị trường lao động. Như vật tiếng nói của các nhà tuyển dụng là đặc biệt quan trọng và sự gắn kết này càng phải được tăng cường hơn nữa theo hướng thực chất, chứ không phải mang tính hình thức.

PGS. TS Nguyễn Phương Nga: Đối với nhà tuyển dụng trong việc liên kết đào tạo không chỉ được lợi từ sản phẩm nhà trường, và nhà tuyển dụng tham gia vào quá trình đào tạo này tới đâu và phải có trách nhiệm, trách nhiệm này là quyền lợi của nhà tuyển dụng. Đặt những bài toán ngược lại như vậy sẽ có lợi hơn cho xã hội.

PV: Kết quả kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học có được công bố công khai hay không? Nếu công khai thì một trường đại học nào đó không đạt chất lượng thì có ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh của trường đó hay không?

PGS. TS Mai Văn Trinh: Việc công khai trong kiểm định chất lượng là điều bắt buộc trong một quy trình đã được ghi trong luật, do đó sẽ được công khai. Đương nhiên kết quả đó sẽ tác động đến quá trình phát triển của nhà trường (cụ thể là tuyển sinh), việc tác động này sẽ theo hai phía; nếu như kết quả kiểm định là tốt thì kết quả là tích cực và ngược lại. Chúng ta đang ở trong xã hội cởi mở và các trường đại học phải dần dần tự chủ trên chính nội lực của mình, tự chủ đó phải gắn với trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình.


PGS. TS Mai Văn Trinh cho biết, Việc công khai trong kiểm định chất lượng là điều
bắt buộc trong một quy trình đã được ghi trong luật, do đó sẽ được công khai
.

Việc công khai này để cho học sinh, phụ huynh và xã hội giám sát, đặc biệt là các em học sinh chuẩn bị vào học biết được trường mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào và cảm thấy có phù hợp với nguyện vọng của mình hay không. Chính vì vậy, việc công khai kiểm định chất lượng là có lợi cho trường chứ không phải là không có lợi.

PV: Kỳ thi THPT quốc gia có liên quan gì tới việc đánh giá, kiểm định chất lượng đại học hay không. Tại sao các trường phải công khai đăng ký trong Đề án tuyển sinh của mình, các điều kiện cần công khai là gì? Bộ sẽ giao cho đơn vị vào thẩm định độc lập để đảm bảo tính khách quan?

PGS. TS Mai Văn Trinh: Tuyển sinh là một khâu rất quan trọng đối với một cơ sở giáo dục đại học, và chất lượng đầu vào là một yếu tố quan trọng đến chất lượng đào tạo của nhà trường. Không phải năm 2017 mới đề cập tới chuyện này, từ lâu này Bộ đã từng bước một cách hợp lí yêu cầu các trường công khai thông tin vào mục đích khác nhau, trong đó có mục đích tuyển sinh.

Yếu tố đảm bảo chất lượng trong nhà trường có nhiều yếu tốt, nhưng năm 2017 trong các đề án  tuyển sinh Bộ sẽ yêu cầu công khai những yếu tố cốt lõi nhất, cơ bản nhất. Như công khai đội ngũ cán bộ của nhà trường như thế nào, cơ cấu đội ngũ giảng viên, trình độ chuyên ngành; điều kiện cơ sở vật chất liên quan tới quá trình đào tạo như diện tích phòng học, thư viện, cơ sở phòng thí nghiệm, thực hành...

Việc công bố như trên sẽ có lợi cho các trường, Bộ cũng khuyến khích các trường ngoài các yếu tố cơ bản trên tiếp tục công bố những điều kiện đảm bảo chất lượng khác. Từ năm 2018 phải công bố đầy đủ, trong đó tập trung vào tỷ lệ sinh viên có việc làm khi ra trường. Việc công bố công khai là một bước quảng cáo hiệu quả mà lâu nay các trường không biết cách làm, đây là cơ hội cho các trường.

Vậy làm việc đó như thế nào, trước hết các trường tự công bố, nhưng Bộ sẽ giao cho 4 trung tâm kiểm định thông qua các mục tiêu, phương thức, cách làm cụ thể để thẩm định và xác thực. Cách làm sẽ có quy mô, nguyên tắc, chuyên nghiệp, quy trình với những yêu cầu kĩ thuật cụ thể. Do đó, việc công khai của các trường cũng cần phải trách nhiệm và đáng tin cậy cho học sinh và xã hội. Nếu các trường làm không đúng thì thông qua đó Bộ sẽ xử lí và kết quả xử lí đó sẽ công khai với xã hội.
Trung tâm Truyền thông giáo dục
Nguồn: http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=4477 

Các tin / bài viết cùng loại:
© 2018 Trung Tâm Khảo Thí và Đánh Giá Chất Lượng Đào Tạo - ĐHQG TP.HCM.
Powered by Web7Màu.

Địa chỉ: Phòng 403, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, Tp.HCM
Điện thoại: 08.3724.2181, Số nội bộ: 1415 - Fax: 08.3724.2162
Email: ttkt@vnuhcm.edu.vn
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.6.6.0