Slogan_Đại Học Quốc Gia_vn

Tìm kiếm:

Hội nghị tổng kết đánh giá chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn AUN-QA tại ĐHQG-HCM giai đoạn 2009-2013

26/07/2013 (Lượt truy cập: 353170)

Ngày 26/7/2013, tại Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã tổ chức “Hội nghị tổng kết đánh giá chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn AUN-QA giai đoạn 2009-2013”.

Hội nghị nhằm tổng kết toàn bộ quá trình tham gia đánh giá chất lượng cấp chương trình theo tiêu chuẩn AUN-QA tại ĐHQG-HCM trong giai đoạn 2009-2013, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm tham gia đánh giá ngoài với các trường đại học Việt Nam.

Tham dự hội nghị, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có TS. Phạm Xuân Thanh - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục. Về phía Mạng các trường Đại học Đông Nam Á (AUN), có sự tham dự của PGS.TS. Nantana Gajaseni, Giám đốc điều hành AUN cùng Ông Johnson Ong Chee Bin, chuyên gia đảm bảo chất lượng (ĐBCL) của AUN và của trường Đại học Quốc gia Singapore. Về phía lãnh đạo ĐHQG-HCM có sự tham dự của PGS.TS. Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG-HCM; PGS. TS. Lê Quang Minh và PGS.TS. Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM. Ngoài ra, Hội nghị được đón tiếp các đại biểu nguyên là Giám đốc ĐHQG-HCM, lãnh đạo các trường đại học thành viên và đơn vị trực thuộc, lãnh đạo Văn phòng và các Ban chức năng, lãnh đạo, giảng viên các khoa, đại diện các nhà tuyển dụng và sinh viên của ĐHQG-HCM.

Đặc biệt, hội nghị lần này đã thu hút sự có mặt của đại diện lãnh đạo và giảng viên tại 42 trường đại học cả nước.

Trong báo cáo tổng kết công tác đánh giá chất lượng theo chuẩn AUN-QA tại ĐHQG-HCM giai đoạn 2009 – 2013, PGS.TS. Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM đã phân tích những kết quả đạt được và chia sẻ một số bài học kinh nghiệm để triển khai thành công công tác đánh giá ngoài cấp chương trình. Theo đó, trong giai đoạn từ 2009 – 2013, ĐHQG-HCM đã có 8 chương trình được AUN đánh giá và đều đạt chuẩn kiểm định chất lượng với điểm trung bình là 4.5 điểm.  Các chương trình tham gia đánh giá đã bao quát hầu hết các lĩnh vực đào tạo của ĐHQG-HCM là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật công nghệ và kinh tế.

PGS.TS. Nguyễn Hội Nghĩa trình bày báo cáo tại Hội nghị                                                       PGS.TS. Nguyễn Hội Nghĩa trình bày báo cáo tại Hội nghị

Trong phần tọa đàm, PGS.TS. Lê Quang Minh, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM kiêm Chủ tịch Hội đồng đảm bảo chất lượng ĐHQG-HCM khẳng định định hướng chiến lược của ĐHQG-HCM trong công tác đảm bảo chất lượng là tiếp tục triển khai đánh giá chất lượng cấp chương trình, trước mắt là theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA, tiến tới đánh giá theo các bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp tiên tiến khác như ABET, AACSB. Tiếp đó, hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa và trường ĐH Quốc tế, hai trường thành viên của ĐHQG-HCM có nhiều chương trình tham gia đánh giá, cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn để có thể triển khai thành công hoạt động đánh giá chất lượng tại đơn vị.
 

                                                                                      Các chuyên gia tham dự tọa đàm

Cũng trong phần tọa đàm này, ông Johnson Ong Chee Bin, chuyên gia ĐBCL của AUN với kinh nghiệm từng tham gia nhiều đoàn đánh giá, trong đó có 3 đoàn của ĐHQG-HCM đã phân tích các kết quả đánh giá của ĐHQG-HCM trong thời gian qua. Ông cho biết số tiêu chuẩn của các chương trình ĐHQG-HCM được đánh giá đạt từ 5 điểm trở lên đã tăng từ 24% vào năm 2011 lên 47% vào năm 2012. Đồng thời, số tiêu chuẩn đạt 3 điểm giảm từ 7% năm 2011 xuống còn 0% năm 2012. Đây là những thay đổi tích cực và đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực kông ngừng của ĐHQG-HCM trong quá trình cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Theo ông Johnson, các chương trình tham gia đánh giá phải đạt từ 4 điểm trở lên (trên thang điểm 7) thì mới được coi là đạt chuẩn kiểm định chất lượng và sẽ được AUN cấp chứng chỉ kiểm định có thời hạn 4 năm kể từ ngày đánh giá.

                                                          Lãnh  đạo ĐHQG-HCM tặng hoa đại biểu tham dự tọa đàm

Tại phiên thảo luận, nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho các diễn giả như những điều kiện cần thiết để tổ chức một đợt đánh giá cấp chương trình; sự khác biệt giữa bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của AUN với bộ tiêu chuẩn đánh giá cấp trường của Việt Nam; vai trò của các bên liên quan đối với hoạt động này; kinh nghiệm đánh giá tại ĐHQG-HCM,… Đây thật sự là cơ hội tốt để ĐHQG-HCM có thể chia sẻ thêm những kinh nghiệm thực tiễn của mình và cũng giúp các đại biểu có thể tìm được câu trả lời cho những thắc mắc đối với hoạt động đánh giá chất lượng cấp chương trình theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA, một vấn đề còn tương đối mới đối với nhiều trường đại học tại Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nantana Gajaseni, Giám đốc điều hành AUN chúc mừng những thành quả đã đạt được của ĐHQG-HCM, đồng thời khẳng định sự phát triển của AUN trong thời gian vừa qua có sự đóng góp không nhỏ và sự ủng hộ không ngừng của ĐHQG-HCM, mong muốn ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục có thêm nhiều chương trình chất lượng cao trong thời gian sắp tới.
                                                                    PGS.TS. Nantana Gajaseni phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục KT&KĐCLGD cho biết hai ĐHQG của Việt Nam đã có 15 chương trình được AUN đánh giá chính thức và 6 chương trình khác được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA, hoạt động này nằm trong dự án ASEAN-QA do AUN phối hợp với DAAD  (cơ quan trao đổi hàn lâm Đức) và một số tổ chức quốc tế khác thực hiện. Như vậy, Việt Nam đã có tổng cộng 21 chương trình được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA. Và hiện cũng có nhiều trường đại học khác của Việt Nam rất quan tâm đến hoạt động đánh giá chương trình theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA.
                                                               
TS. Phạm Xuân Thanh phát biểu

TS. Phạm Xuân Thanh khẳng định Bộ GD-ĐT ủng hộ các đơn vị triển khai đánh giá chất lượng cấp chương trình theo các bộ tiêu chuẩn kiểm định của khu vực và quốc tế, trong đó có bộ tiêu chuẩn AUN-QA. Trong thời gian qua, với kết quả của 21 chương trình của Việt Nam đã được đánh giá thì có thể nói bộ tiêu chuẩn AUN-QA khá phù hợp với các trường đại học của Việt Nam. Vì vậy, kết quả đánh giá các chương trình giáo dục theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA trong 4 năm qua của ĐHQG-HCM là một trong những cơ sở thực tiễn rất quan trọng giúp Bộ GD-ĐT xây dựng các chủ trương, chính sách mới cho thời kỳ hội nhập quốc tế về giáo dục đại học. Đại diện Bộ GD-ĐT đề nghị ĐHQG-HCM cùng với ĐHQG-HN làm đầu mối để phối hợp với AUN tổ chức các khóa tập huấn cho các trường ĐH ở Việt Nam, tạo tiền đề cho việc triển khai công tác đánh giá theo tiêu chuẩn của AUN tại Việt Nam trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, PGS.TS. Phan Thanh Bình bày tỏ sự cám ơn chân thành đối với các chuyên gia AUN, đại diện Bộ GD-ĐT và các trường ĐH trong cả nước đã tới tham dự hội nghị và khẳng định ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục đầu tư các nguồn lực cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của xã hội, xứng đáng là một trong những đơn vị nòng cốt, tiên phong, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của giáo dục đại học Việt Nam. 
                                                              PGS.TS. Phan Thanh Bình phát biểu tổng kết hội nghị

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

 





Các tin / bài viết cùng loại:
© 2018 Trung Tâm Khảo Thí và Đánh Giá Chất Lượng Đào Tạo - ĐHQG TP.HCM.
Powered by Web7Màu.

Địa chỉ: Phòng 403, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, Tp.HCM
Điện thoại: 08.3724.2181, Số nội bộ: 1415 - Fax: 08.3724.2162
Email: ttkt@vnuhcm.edu.vn
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.6.6.0