Slogan_Đại Học Quốc Gia_vn

Tìm kiếm:

ĐHQG-HCM TỔ CHỨC HỘI NGHỊ LẤY Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP VÀ DỰ ÁN LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC SỬA ĐỔI

20/05/2025 (Lượt truy cập: 34)



Chiều 19/5, tại Nhà điều hành ĐHQG-HCM, ĐHQG-HCM đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp) và các chính sách của Dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi. PGS.TS Trần Cao Vinh, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM chủ trì Hội nghị.

A person standing at a podium
AI-generated content may be incorrect.

PGS.TS Trần Cao Vinh phát biểu khai mạc Hội nghị.

Cần làm rõ các quy định về tổ chức chính trị - xã hội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Trần Cao Vinh cho biết Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương và 120 điều, tuy nhiên Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp chỉ sửa đổi bổ sung 8 điều, tập trung vào các nội dung liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương.

Đồng thời, Dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi cũng đang được tiến hành. Do đó, Hội nghị sẽ là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học của ĐHQG-HCM đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp và đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi và mang tầm chiến lược đối với giáo dục đại học (GDĐH) nói chung và ĐHQG nói riêng.

Thảo luận về các quy định liên quan các tổ chức chính trị - xã hội trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp, TS Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho rằng Dự thảo chỉ nên đề cập đến chủ thể là các tổ chức chính trị - xã hội bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam mà không cần mở rộng thêm các tổ chức xã hội khác.

A person standing at a podium
AI-generated content may be incorrect.

TS Cao Vũ Minh đề xuất, góp ý sửa đổi một số quy định liên quan tổ chức chính trị - xã hội.

“Điều này là không cần thiết vì phạm vi của Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp là tập trung điều chỉnh các tổ chức chính trị - xã hội. Các tổ chức xã hội khác có điều lệ, tôn chỉ hoạt động riêng và phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật. Do đó, có viết ra hay không trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp thì vấn đề cũng không thay đổi”, TS Cao Vũ Minh khẳng định.

TS Cao Vũ Minh còn đề xuất, góp ý sửa đổi một số nội dung khác trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp như cân nhắc giữ lại quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc “phải lấy ý kiến nhân dân địa phương” đối với việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; bổ sung quy định ngoại lệ về việc thành lập Ủy ban nhân dân khi không tổ chức được Hội đồng nhân dân; thẩm quyền làm luật của Quốc hội và thẩm quyền ra pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội…

Cùng thảo luận về các quy định liên quan tổ chức chính trị - xã hội trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp, TS Trần Lê Đăng Phương, Trường ĐH An Giang cho rằng có một số vấn đề cần làm rõ để bảo đảm hiệu lực và hiệu quả thực thi trên thực tế của các tổ chức này.

A person standing at a podium
AI-generated content may be incorrect.

TS Trần Lê Đăng Phương đề xuất các cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cụ thể, về tính chất tổ chức của Công đoàn Việt Nam, Dự thảo Nghị quyết cần xác định rõ Công đoàn là tổ chức được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, hay là tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoặc đồng thời mang cả hai đặc điểm nêu trên.

Đối với cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp cần bổ sung các quy định rõ ràng hơn về nghĩa vụ phản hồi của cơ quan nhà nước đối với các kiến nghị, phản biện từ Mặt trận, trong đó xác định cụ thể về hình thức, thời hạn và trách nhiệm phản hồi.

Bổ sung điều, khoản quy định về ĐHQG trong Dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi

A person standing at a podium
AI-generated content may be incorrect.

TS Thái Thị Tuyết Dung trình bày về các nhóm chính sách của Dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

Trình bày báo cáo các chính sách và quy định dự kiến trong Dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi, TS Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế cho biết, Dự án đã đề xuất 6 nhóm chính sách về GDĐH. Các chính sách này gồm: (1) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến; (2) Hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời; (3) Định vị cơ sở GDĐH là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao; (4) Tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa GDĐH; (5) Phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính và (6) Đổi mới cách tiếp cận, bảo đảm thực chất trong công tác bảo đảm chất lượng GDĐH.

Đánh giá về các quy định liên quan ĐHQG trong Dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM cho rằng vai trò của ĐHQG chưa được đánh giá đúng mực trong hệ thống GDĐH. PGS.TS Nguyễn Tấn Phát đề xuất cần làm rõ mô hình ĐHQG là hệ thống đa ngành đa lĩnh vực và có thêm các điều, khoản quy định rõ vai trò của ĐHQG.

A person holding a microphone
AI-generated content may be incorrect.

PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM kiến nghị làm rõ vai trò của mô hình ĐHQG.

Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết Dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi chỉ dừng lại ở quy định về vai trò của ĐHQG là đại học thực hiện nhiệm vụ quốc gia và không có thêm các điều khoản quy định riêng dành cho ĐHQG. Điều này dẫn đến việc xem ĐHQG như các trường đại học khác, không cho thấy vai trò dẫn dắt, tiên phong của ĐHQG trong hệ thống GDĐH Việt Nam.

PGS.TS Phan Thanh Bình kiến nghị Dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi cần bổ sung một chương trong luật về ĐHQG-HCM đồng thời giữ lại mô hình hội đồng trường tại các trường thành viên của ĐHQG để đảm bảo hiệu quả quản trị.

A person holding a microphone
AI-generated content may be incorrect.

PGS.TS Phan Thanh Bình đề xuất bổ sung thêm các quy định liên quan đến ĐHQG trong Dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

Hội nghị còn lắng nghe các ý kiến góp ý, kiến nghị bổ sung về tổ chức chính quyền địa phương; giữ lại các thành phố trực thuộc tỉnh giàu tính văn hóa, lịch sử; bổ sung quy định về Công đoàn Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bổ sung chính sách để duy trì các ngành khoa học cơ bản của các trường đại học công; cần bắt buộc kiểm định cấp cơ sở giáo dục…

Phát biểu kết luận Hội nghị, PGS.TS Trần Cao Vinh cho biết Ban tổ chức đã tiếp nhận đầy đủ các ý kiến góp ý và sẽ tổng hợp các ý kiến dóng góp cho Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp và Dự án Luật giáo dục đại học sửa đổi để gửi về cho Bộ GD&ĐT.

A group of people sitting at long tables
AI-generated content may be incorrect.

Toàn cảnh hội nghị.

TRUYỀN THÔNG

Nguồn: vnuhcm.edu.vn

Các tin / bài viết cùng loại:
© 2018 Trung Tâm Khảo Thí và Đánh Giá Chất Lượng Đào Tạo - ĐHQG TP.HCM.
Powered by Web7Màu.

Địa chỉ: Phòng 403, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Khu phố 6, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, Tp.HCM
Điện thoại: 028.3724.2181, Số nội bộ: 1415 - Fax: 028.3724.2162
Email: ttkt@vnuhcm.edu.vn
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.6.6.0