Slogan_Đại Học Quốc Gia_vn

Tìm kiếm:

GIỚI THIỆU KỲ THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2025

12/11/2024 (Lượt truy cập: 3260)



Với mục tiêu tuyển chọn được người học có năng lực phù hợp với triết lí và yêu cầu đào tạo toàn diện, ĐHQG-HCM luôn chủ động cải tiến phương thức tuyển sinh theo hướng toàn diện, đánh giá được những năng lực cần thiết để học đại học của thí sinh. Từ năm 2018, ĐHQG-HCM bắt đầu tổ chức kỳ thi ĐGNL nhằm đa dạng hóa phương thức tuyển sinh của các đơn vị trong và ngoài hệ thống ĐHQG-HCM. Bài thi ĐGNL ĐHQG-HCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lí số liệu, giải quyết vấn đề. Về cấu trúc, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 3 phần: Phần 1, sử dụng ngôn ngữ, với 20 câu hỏi đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản và sử dụng tiếng Việt, khả năng cảm thụ, phân tích các tác phẩm văn học, và 20 câu hỏi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh tổng quát; Phần 2, toán học, tư duy logic và phân tích số liệu, với 30 câu hỏi, đánh giá khả năng áp dụng các kiến thức toán học; khả năng tư duy logic; khả năng diễn giải, so sánh phân tích số liệu; Phần 3, giải quyết vấn đề, với 50 câu hỏi, đánh giá khả năng hiểu và vận dụng các kiến thức cơ bản để giải quyết các vấn đề thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên (hóa học, vật lí, sinh học) và khoa học xã hội (địa lí, lịch sử).

Bảng 1. Cấu trúc đề thi ĐGNL ĐHQGHCM giai đoạn 2018 - 2024

Nội dung

Số câu

Phần 1: Sử dụng ngôn ngữ

1.1. Tiếng Việt

20

1.2. Tiếng Anh

20

Phần 2: Toán học – Logic – Phân tích số liệu

2.1. Toán học

10

2.2. Tư duy logic

10

2.3. Phân tích số liệu

10

Phần 3: Giải quyết vấn đề

3.1. Hóa học

10

3.2. Vật lí

10

3.3. Sinh học

10

3.4. Địa lí

10

3.5. Lịch sử

10

 

Sau 7 năm triển khai, từ 2018 đến 2024, kỳ thi ĐGNL đã trở thành phương thức tuyển sinh đáng tin cậy, góp phần nâng cao chất lượng tuyển sinh không chỉ tại ĐHQG-HCM mà còn ở nhiều trường đại học và cao đẳng trên cả nước. Năm 2024, kỳ thi đã mở rộng quy mô tổ chức tại 26 tỉnh/thành phố, thu hút gần 107.000 thí sinh tham gia (tăng hơn 21 lần so với năm 2018) và được hơn 100 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi để xét tuyển. Kỳ thi ĐGNL đã giúp ĐHQG-HCM tuyển được hơn 9.200 sinh viên, chiếm hơn 38% chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2024.

Kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM đã nhận được ý kiến đánh giá, phản hồi rất tích cực từ phía thí sinh, phụ huynh học sinh và toàn xã hội về chất lượng kỳ thi. Kỳ thi đã giới thiệu cách tiếp cận mới về đánh giá năng lực, tăng thêm cơ hội học tập đại học cho các thí sinh. Cách tiếp cận đánh giá năng lực góp phần định hướng tốt hơn cho học sinh các trường trung học phổ thông (THPT), giúp học sinh THPT học tập và rèn luyện hiệu quả hơn những năng lực quan trọng để học tập lên các bậc cao hơn.

Dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong giai đoạn 2018-2024, ĐHQG-HCM vẫn không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng kỳ thi ĐGNL  phù hợp với sự thay đổi và phát triển của giáo dục Việt Nam.

Năm  2025 đánh dấu sự thay đổi quan trọng của giáo dục Việt nam, với việc  chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018) được áp dụng cho tất cả các bậc học. Lứa học sinh đầu tiên của chương trình GDPT 2018 bắt đầu tốt nghiệp THPT và tham gia tuyển sinh đại học.  

Chương trình GDPT 2018 được chính thức ban hành ngày 26/12/2018 theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, và được điều chỉnh vào tháng 8/2022 với Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT. Chương trình GDPT 2018  đảm bảo phát triển phẩm chất và năng lực học sinh thông qua nội dung giáo dục hiện đại, chú trọng thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tế. Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, từ lớp 10 đến lớp 12, học sinh tham gia các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương,  và lựa chọn 4 môn trong số 9 môn: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Trên lí thuyết, có tổng cộng 126 tổ hợp môn học có thể được học sinh lựa chọn. Trong thực tế, phương án chọn tổ hợp môn học của học sinh THPT là rất đa dạng. Số liệu thống kê về chọn môn học tại TP. HCM cho thấy các môn Vật lí, Hóa học, Tin học có khoảng 55% đến 70% học sinh lựa chọn; các môn  Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật có khoảng 40% đến 50% học sinh lựa chọn, môn Công nghệ có khoảng 25% học sinh lựa chọn, các môn Âm nhạc, Mĩ thuật có ít học sinh lựa chọn hơn với khoảng 2% đến 3%.

            Trước xu hướng lựa chọn môn học đa dạng của học sinh, việc duy trì cấu trúc đề thi ĐGNL của giai đoạn 2018-2024 sẽ gặp hạn chế trong đánh giá chính xác năng lực của các thí sinh học theo chương trình GDPT 2018 do đa số học sinh không học đủ 5 môn học ứng với 5 lĩnh vực trong phần Giải quyết vấn đề (bao gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý). Việc điều chỉnh cấu trúc đề thi ĐGNL cần được thực hiện để phù hợp với cách tiếp cận mới của chương trình giáo dục phổ thông.

            Từ năm 2022, ĐHQG-HCM đã xây dựng và đánh giá các phương án điều chỉnh cấu trúc đề thi ĐGNL để áp dụng từ năm 2025. Việc điều chỉnh phải bảo đảm tuân thủ hai nguyên tắc: (1) đánh giá chính xác năng lực học đại học của thí sinh; (2) bảo đảm công bằng và tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả thí sinh nhất là khi sự chọn lựa các môn học của các em là rất đa dạng.

            Phương án được ĐHQG-HCM lựa chọn thực hiện là giữ cấu trúc phần Sử dụng ngôn ngữ và Toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của hai phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi. Phần  Logic – Phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần Tư duy khoa học, với mục tiêu  đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học để giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội. Các câu hỏi trong phần Tư duy khoa học được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm, kết quả thực nghiệm, thông qua đó yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng  hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật.

Bảng 2. Cấu trúc đề thi ĐGNL ĐHQG-HCM 2025

Nội dung

Số câu

Phần 1: Sử dụng ngôn ngữ

60

1.1. Tiếng Việt

30

1.2. Tiếng Anh

30

Phần 2: Toán học

30

Phần 3: Tư duy khoa học

30

3.1. Logic, phân tích số liệu

12

3.2. Suy luận khoa học

18

Về tổng thể, đề thi ĐGNL từ năm 2025 vẫn bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn, thời gian làm bài là 150 phút, thực hiện thi trên giấy.  Kết quả thi được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo lí thuyết ứng đáp câu hỏi (Item Response Theory - IRT). Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó của câu hỏi. Điểm thi được quy đổi theo từng phần. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa từng thành phần của bài thi được thể hiện trên phiếu điểm gồm: Tiếng Việt là 300 điểm, Tiếng Anh là 300 điểm; Toán học là 300 điểm và Tư duy khoa học là 300 điểm.

Cấu trúc và nội dung đề thi ĐGNL ĐHQG-HCM cho năm 2025 có nhiều nét tương đồng với  các đề thi chuẩn hóa quốc tế như Scholastic Assessment Test (SAT) của Hoa Kỳ, Psychometric Entrance Test (PET) của Israel và General Aptitude Test (GAT) của Thái Lan, nhằm đánh giá năng lực tổng quát của học sinh theo chuẩn quốc tế, giúp đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả thí sinh.  Cách tiếp cận này cũng phù hợp với định hướng tuyển sinh theo phương thức kết hợp của các đơn vị thành viên ĐHQG-HCM. Kết quả thi ĐGNL là căn cứ đáng tin cậy để đánh giá năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh. Các kiến thức, kỹ năng, năng lực chuyên biệt ứng với các chương trình đào tạo ở những lĩnh vực cụ thể có thể được đánh giá thông qua các tiêu chí bổ sung như kết quả học tập THPT, kết quả thi THPT, kết quả các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, thành tích hoạt động khoa học, văn hóa, xã hội của thí sinh.

Việc điều chỉnh cấu trúc đề thi ĐGNL thể hiện cam kết của ĐHQG-HCM trong việc duy trì một phương thức tuyển sinh công bằng và toàn diện, giúp thí sinh phát huy tối đa tiềm năng cá nhân, đồng thời nâng cao hiệu quả tuyển sinh của các đơn vị đào tạo trong môi trường giáo dục đa dạng và liên tục phát triển.
         Trong năm 2025, kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục được tổ chức với hai đợt thi dự kiến vào ngày 30/3 và 01/6. Địa điểm tổ chức sẽ được phân bố tại 25 tỉnh/thành phố tương tự năm 2024.

Các tin / bài viết cùng loại:
© 2018 Trung Tâm Khảo Thí và Đánh Giá Chất Lượng Đào Tạo - ĐHQG TP.HCM.
Powered by Web7Màu.

Địa chỉ: Phòng 403, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, Tp.HCM
Điện thoại: 08.3724.2181, Số nội bộ: 1415 - Fax: 08.3724.2162
Email: ttkt@vnuhcm.edu.vn
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.6.6.0