Slogan_Đại Học Quốc Gia_vn

Tìm kiếm:

ĐHQG-HCM CÔNG BỐ CẤU TRÚC BÀI THI ĐGNL ÁP DỤNG TỪ NĂM 2025

12/11/2024 (Lượt truy cập: 5642)

Ngày 12/11, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, đã ký quyết định ban hành cấu trúc bài thi ĐGNL của ĐHQG-HCM được áp dụng từ năm 2025.

Theo đó, từ năm 2025, cấu trúc bài thi ĐGNL được điều chỉnh phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. ĐHQG-HCM sẽ giữ cấu trúc phần Sử dụng ngôn ngữ và Toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của hai phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi. Phần Logic - Phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần Tư duy khoa học nhằm đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội. 

 Các câu hỏi trong phần Tư duy khoa học được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm, kết quả thực nghiệm, thông qua đó yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật. 

 Đề thi ĐGNL từ năm 2025 vẫn bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 150 phút làm bài và thực hiện thi trên giấy.  Kết quả thi được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo lý thuyết ứng đáp câu hỏi. Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó của câu hỏi. 

 Điểm thi được quy đổi theo từng phần. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa từng thành phần của bài thi được thể hiện trên phiếu điểm gồm: Tiếng Việt là 300 điểm, Tiếng Anh là 300 điểm; Toán học là 300 điểm và Tư duy khoa học là 300 điểm.

 Cấu trúc và nội dung đề thi ĐGNL ĐHQG-HCM cho năm 2025 có nhiều nét tương đồng với các đề thi chuẩn hóa quốc tế như Scholastic Assessment Test (SAT) của Hoa Kỳ, Psychometric Entrance Test (PET) của Israel và General Aptitude Test (GAT) của Thái Lan… Nói cách khác, đề thi này nhằm mục đích đánh giá đúng năng lực tổng quát của học sinh, giúp các trường đại học, cao đẳng tuyển được thí sinh phù hợp; đồng thời đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả thí sinh, ngay cả khi các em chọn những môn học khác nhau ở bậc THPT. Cách tiếp cận với đề thi này còn phù hợp với định hướng tuyển sinh theo phương thức kết hợp của các đơn vị thành viên ĐHQG-HCM.

 Trong năm 2025, ĐHQG-HCM tiếp tục tổ chức thi ĐGNL với hai đợt thi dự kiến vào ngày 30/3 và ngày 01/6 tại 25 tỉnh/thành phố tương tự năm 2024. 

 Sau 7 năm triển khai, từ 2018 đến 2024, kỳ thi ĐGNL đã trở thành phương thức tuyển sinh đáng tin cậy, góp phần nâng cao chất lượng tuyển sinh không chỉ tại ĐHQG-HCM mà còn ở nhiều trường đại học và cao đẳng trên cả nước. Năm 2024, kỳ thi đã mở rộng quy mô tổ chức tại 26 tỉnh/thành phố, thu hút gần 107.000 thí sinh tham gia (tăng hơn 21 lần so với năm 2018) và được hơn 100 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi để xét tuyển. Kỳ thi ĐGNL đã giúp ĐHQG-HCM tuyển được hơn 9.200 sinh viên, chiếm hơn 38% chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2024.

 Nguồn: vnuhcm.edu.vn

 

Các tin / bài viết cùng loại:
© 2018 Trung Tâm Khảo Thí và Đánh Giá Chất Lượng Đào Tạo - ĐHQG TP.HCM.
Powered by Web7Màu.

Địa chỉ: Phòng 403, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, Tp.HCM
Điện thoại: 08.3724.2181, Số nội bộ: 1415 - Fax: 08.3724.2162
Email: ttkt@vnuhcm.edu.vn
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.6.6.0