Những năm gần đây, đảm bảo chất lượng đảm bảo chất lượng giáo dục đã trở thành phong trào phát triển rộng khắp, không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Hàng loạt trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng của các trường đại học đại học ra đời một lần nữa minh chứng cho việc chất lượng đã và đang trở thành lựa chọn hàng đầu trong việc quảng bá, phát triển và nâng cao vị thế của các trường đại học Việt Nam.
|
Sinh viên Khoa Công nghệ sinh học, đại học Quốc tế trong giờ thí nghiệm.
|
Hình thành văn hóa chất lượng
Có thể nói Đại học Quốc gia TPHCM là một trong hai đơn vị đi đầu cả nước trong việc xây dựng, triển khai hệ thống đảm bảo chất lượng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ ở cả 3 cấp: cấp Đại học Quốc gia , cấp trường và cấp khoa. Ở cấp Đại học Quốc gia , Hội đồng đảm bảo chất lượng giáo dục có chức năng hoạch định chính sách, chiến lược, xây dựng các kế hoạch đảm bảo chất lượng , thông qua đơn vị thường trực là Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo và triển khai xuống từng đơn vị thành viên. Nhờ được đánh giá chéo thường xuyên theo chu kỳ 4 năm/lần, năng lực đội ngũ không ngừng nâng cao đã giúp hình thành ý thức về đảm bảo chất lượng trong các trường đại học thành viên.
PGS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa TPHCM, cho biết: “Trước đây, các trường đại học ở Việt Nam chỉ đơn thuần giảng dạy theo khung chương trình của Bộ GD-ĐT. Nhưng từ khi có phong trào đảm bảo chất lượng , hoạt động giảng dạy đã chú ý hơn đến vai trò trung tâm của người học với những lợi ích, nhu cầu và quyền lợi, được cam kết chất lượng đào tạo xứng đáng với học phí bỏ ra”.
Làm rõ hơn điều này, TS Trần Đan Thư, Trưởng khoa CNTT, Trường đại học KHTN TPHCM, giải thích thêm: “Nhiều năm qua, giáo dục đại học Việt Nam mới chú trọng kết quả đào tạo với những thành tích, con số mà bỏ qua những tiện ích, cơ sở vật chất để đạt được sự hài lòng của người học như hệ thống bảng biểu chỉ dẫn đường, chất lượng phục vụ của thư viện, căng tin, nhà vệ sinh, hệ thống xe buýt, ký túc xá, nhà thi đấu, sân đá bóng, cửa hàng tiện ích… phục vụ việc học tập và sinh hoạt của sinh viên”.
Hiện Đại học Quốc gia TPHCM đang hoàn tất đề án xây dựng tổ chức Kiểm định chất lượng giáo dục độc lập theo hướng dẫn của Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành. Dự kiến đây sẽ là một trong hai đơn vị kiểm định đầu tiên của cả nước, có nhiệm vụ thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT. TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, mục tiêu của việc kiểm định là giúp các trường biết vị trí của mình đang ở đâu, những điểm yếu và hạn chế trong hiện tại nhằm khắc phục, tạo được niềm tin nơi xã hội.
Bài học từ sân chơi “chuẩn”
Tính đến cuối tháng 3-2013, Đại học Quốc gia TPHCM có 7 chương trình được công nhận đạt chuẩn AUN-QA, chuẩn chất lượng do mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á công nhận. Trong đó, có 2 chương trình nằm trong tốp 3 có điểm đánh giá cao nhất nước thuộc về khối ngành kinh tế và CNTT. Đây là cơ hội giúp đại học Việt Nam vươn khỏi tầm “ao nhà”, hội nhập sân chơi quốc tế. Tuy nhiên, đằng sau thành công đó cũng còn không ít nỗi lo.
TS. Lê Khắc Cường, Trưởng khoa Việt Nam học, đại học KHXH và NV TPHCM thừa nhận: “Cơ sở vật chất của nhiều trường, khoa hiện nay tương đối tốt nhưng so với yêu cầu của bộ tiêu chuẩn AUN-QA vẫn còn nhiều điểm phải khắc phục như hệ thống nhà vệ sinh, sân chơi, cầu thang, lối đi cho người khuyết tật, an toàn phòng chống cháy nổ…”. Đồng quan điểm, TS. Trần Đan Thư, Trưởng khoa CNTT, Trường đại học KHTN TPHCM, bày tỏ: “Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả đánh giá cơ sở vật chất và tiện nghi của đơn vị theo thang bậc đánh giá của AUN chỉ đạt 4,5/7 điểm. Trong đó, diện tích thư viện, số lượng đầu sách, tài liệu tham khảo, các tiện nghi trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học khác đều cần gia tăng đáng kể”.
Ngoài ra, sau đợt đánh giá, các đơn vị cũng thừa nhận cần quan tâm hơn đến vấn đề an toàn, an ninh trường học, lắp đặt hệ thống chỉ dẫn, sơ đồ thoát hiểm, vị trí các bình chữa lửa phòng khi có hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra – điều mà hiện nay rất ít trường đại học Việt Nam quan tâm chú trọng. Thêm vào đó, vấn đề liên lạc với nhà tuyển dụng cũng là một trong những điểm yếu khi đại học Việt Nam tham gia các bảng xếp hạng quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Văn Huệ, nguyên Trưởng khoa Việt Nam học, đại học KHXH và NV TPHCM, cho biết: “Mọi hoạt động liên quan đến đảm bảo chất lượng đều cần có sự tham gia của các bên liên quan gồm giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên và các nhà tuyển dụng”. Trong đó, điểm yếu lớn nhất của các trường đại học Việt Nam hiện nay là thiếu sự gắn kết với đơn vị tuyển dụng, thống kê số lượng sinh viên ra trường có việc làm không thường xuyên cập nhật, khiến chất lượng đầu ra chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, giao diện website điện tử cũng là một trong những điểm yếu của hầu hết các trường đại học Việt Nam hiện nay. Nhiều nơi, website không thường xuyên cập nhật, vai trò quản trị thực hiện chưa tốt khiến trang chủ thường xuyên bị sự cố gây khó khăn cho người học.
Thu Tâm (Báo SGGP)
|