Slogan_Đại Học Quốc Gia_vn

Tìm kiếm:

Hoạt động quan hệ quốc tế trong Đảm bảo chất lượng giáo dục tại ĐHQG-HCM

21/05/2015 (Lượt truy cập: 5199)

HOẠT ĐỘNG QUAN HỆ QUỐC TẾ TRONG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

TẠI ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH

(Bài viết đăng trong tài liệu Hội thảo “Hội nhập quốc tế trong quá trình đổi mới giáo dục đại học Việt Nam” ngày 8/6/2014 tại ĐHQG-HCM (có cập nhật số liệu).

1. Giới thiệu

Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Trung tâm) là đơn vị ĐBCL cấp ĐHQG-HCM, thường trực của Hội đồng ĐBCL GD, thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành về công tác khảo thí, đánh giá và đảm bảo chất lượng giáo dục. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm là đại diện ĐHQG-HCM tham gia các tổ chức, mạng lưới ĐBCL GD đại học quốc tế và khu vực, thúc đẩy quá trình giao lưu và hội nhập của ĐHQG-HCM trong lĩnh vực ĐBCL, thực hiện mục tiêu chiến lược là chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn khu vực và thế giới.

Hiện nay, Trung tâm là thành viên của các tổ chức ĐBCL khu vực và quốc tế như Mạng các trường đại học Đông Nam Á (Asean University Network – AUN), Mạng ĐBCL Châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Quality Network – APQN), Mạng lưới các tổ chức ĐBCL GDĐH quốc tế (International Network for Quality Assurance Agencies in Higher Education – INQAAHE) và một số chương trình hợp tác với các đối tác quốc tế khác.

2. Quá trình tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế của Trung tâm

Hoạt động ĐBCL ở Việt Nam nói chung và ĐHQG-HCM nói riêng được triển khai khá muộn so với các quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới. Vì thế, việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế có uy tín là lựa chọn tất yếu của Trung tâm để bắt kịp xu thế phát triển chung, học tập kinh nghiệm của các tổ chức và quốc gia trên thế giới, qua đó từng bước chuẩn hóa chất lượng đào tạo ĐHQG-HCM.  Với mục đích đó, hoạt động quan hệ quốc tế của Trung tâm đang tập trung vào ba mục tiêu chính (1) nâng cao năng lực ĐBCL và ĐGCL theo chuẩn mực quốc tế, (2) xây dựng quan hệ và tạo sự kết nối giữa ĐHQG-HCM với các tổ chức ĐBCL trong khu vực và trên thế giới; (3) tăng cường hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực ĐBCL giáo dục đại học.

Từ năm 1999 đến nay, Trung tâm đã tham gia các tổ chức ĐBCL khu vực và quốc tế theo bảng giới thiệu tóm tắt các tổ chức dưới đây:

STT

Tên tổ chức

Năm thành lập

Số thành viên

Loại thành viên Trung tâm đăng ký

Năm tham gia

1

AUN (Mạng các trường đại học Đông Nam Á-Asean University Network)

1995

30 thành viên chính thức

6 thành viên liên kết

Thành viên chính thức

1999

2

INQAAHE (Mạng lưới các tổ chức ĐBCL GDĐH quốc tế - International Network for Quality Assurance Agencies in Higher Education)

1991

173 thành viên chính thức

30 thành viên liên kết

74 thành viên không chính thức

Thành viên liên kết

2004

3

APQN (Mạng đảm bảo chất lượng Châu Á Thái Bình Dương - Asia Pacific Quality Network)

2004

34 thành viên chính thức

18 thành viên cấp trung

10 thành viên không chính thức

79 thành viên cấp cơ sở đào tạo

Thành viên cấp cơ sở đào tạo

 

2005

4

APHERP (Chương trình hợp tác nghiên cứu GDĐH khu vực Châu Á – Thái Bình Dương - Asia Pacific Higher Education Research Partnership)

2013

3 thành viên chủ chốt

15 thành viên sáng lập

1 thành viên không chính thức

3 thành viên liên kết

Thành viên liên kết

2013

a. Mạng các trường đại học Đông Nam Á (AUN)

AUN là Mạng lưới các trường đại học hàng đầu của Đông Nam Á được thành lập vào năm 1995 với 11 thành viên đầu tiên, gồm từ 1 đến 2 trường đại học có uy tín nhất đại diện cho các quốc gia thành viên. Hiện nay, AUN có 30 thành viên chính thức (trong đó có hai Đại học quốc gia và trường ĐH Cần Thơ của Việt Nam) và các thành viên liên kết khác.

Mục tiêu của AUN nhằm tăng cường hợp tác giữa các trường ĐH trong khối ASEAN và quốc tế; thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo ở các lĩnh vực ưu tiên của khối; nâng cao tinh thần hợp tác và đoàn kết trong giới học thuật ASEAN và đóng vai trò là tổ chức định hướng xây dựng chính sách GDĐH trong khu vực.

            Mục đích tham gia AUN của ĐHQG-HCM nhằm tiếp cận hoạt động đánh giá chất lượng cấp chương trình theo AUN-QA, từng bước chuẩn hoá chất lượng các chương trình đào tạo theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế của ĐHQG-HCM trong khu vực Asean.

b. Mạng đảm bảo chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương (APQN)

            Sứ mạng của APQN là tăng cường hợp tác giữa các tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục đại học trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thông qua các hoạt động hội thảo, hội nghị để chia sẻ thông tin về đảm bảo chất lượng.

            ĐHQG-HCM tham gia APQN nhằm mục đích kết nối và cập nhật thông tin liên quan đến hoạt động ĐBCL từ các tổ chức ĐBCL trong khu vực, hỗ trợ công tác xây dựng chính sách, chiến lược ĐBCL phù hợp với xu thế quốc tế. Hàng năm, ĐHQG-HCM đều cử cán bộ tham gia các cuộc họp thường niên của APQN để nắm bắt thông tin và chia sẻ cho toàn hệ thống và tham gia các khóa huấn luyện về đảm bảo chất lượng để nâng cao năng lực chuyên môn.

c. Mạng lưới các tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục đại học quốc tế (INQAAHE)

            Mục tiêu của INQAAHE là phổ biến, chia sẻ các nghiên cứu mới và các thực tiễn tốt trong hoạt động đánh giá và cải tiến chất lượng GDĐH trên thế giới; tư vấn, hỗ trợ và nâng cao năng lực cho các tổ chức ĐBCL, hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ thống chuyển đổi tín chỉ giúp sinh viên dễ dàng theo học ở các cơ sở đào tạo khác nhau ở trong và ngoài nước.

            Việc tham gia INQAAHE là cơ hội tốt để ĐHQG-HCM thường xuyên cập nhật thông tin về hoạt động ĐBCL trên thế giới cũng như các kết quả nghiên cứu mới nhất liên quan đến ĐBCL, đồng thời từng bước xây dựng quan hệ hợp tác với các tổ chức ĐBCL quốc tế.

d. Chương trình hợp tác nghiên cứu GDĐH khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APHERP)

            APHERP là chương trình hợp tác nghiên cứu GDĐH khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, được điều hành bởi Trung tâm Đông Tây (Hoa Kỳ), nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về GDĐH. Tham gia chương trình là đại diện các trường đại học, cơ quan chính phủ và một số tổ chức phi chính phủ có liên quan tại các quốc gia trong khu vực Châu Á–Thái Bình Dương, đáng chú ý có Hội đồng kiểm định giáo dục đại học Hoa Kỳ (Council on Higher Education Accreditation – CHEA), Hiệp Hội các trường Phổ Thông và Đại Học Miền Tây Hoa Kỳ (WASC) - một trong sáu tổ chức kiểm định vùng tại Hoa Kỳ, Trung tâm quốc gia về tuyển sinh đại học Nhật Bản, trường Đại học Malaya của Malaysia. Tuy mới được thành lập từ năm 2013 nhưng APHERP đã xây dựng được chương trình hoạt động thường niên khá phong phú với 2 hội thảo quốc tế, 01 hội thảo cho các học giả trẻ, 01 khóa tập huấn cán bộ lãnh đạo, hội nghị các thành viên, xuất bản các ấn phẩm GDĐH quốc tế,…  Trong các năm qua, Trung tâm đã cử các cán bộ tham gia các hội thảo khoa học do APHERP tổ chức tại Thái Lan, Trung Quốc,…

          3. Ý nghĩa và thành quả hoạt động quan hệ quốc tế của Trung tâm

Một trong những ý nghĩa quan trọng nhất của hoạt động hợp tác quốc tế đối với mảng ĐBCLGD ĐHQG-HCM trong thời gian qua là thúc đẩy công tác đánh giá chất lượng cấp chương trình theo tiêu chuẩn AUN-QA. Thật vậy, với tư cách là thành viên chính thức của AUN từ năm 1999, ĐHQG-HCM đã và đang tham gia tích cực vào các hoạt động do tổ chức này đề xướng. Năm 2009, ĐHQG-HCM đã quyết định đưa ba chương trình đầu tiên tham gia đánh giá ngoài theo bộ tiêu chuẩn chất lượng của AUN, bao gồm: Điện tử Viễn thông trường ĐH Bách khoa; Công nghệ thông tin trường ĐH KHTN và Khoa học máy tính trường ĐH Quốc tế. Trong những năm tiếp theo, lần lượt các chương trình khác cũng đã được đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn AUN-QA. Tại thời điểm này, chương trình Công nghệ thông tin của trường ĐH KHTN đạt điểm đánh giá cao nhất trong cả nước (4.94/7 điểm).

STT

Thời gian đánh giá

Chương trình

Trường

1

 

Tháng 12/2009

Điện tử viễn thông

ĐH Bách khoa

2

Công nghệ thông tin

ĐH Khoa học Tự nhiên

3

Khoa học máy tính

ĐH Quốc tế

4

 

Tháng 12/2011

Việt Nam học

ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn

5

Công nghệ sinh học

ĐH Quốc tế

6

Kỹ thuật cơ khí

ĐH Bách khoa

7

Tháng 12/2012

Quản trị kinh doanh

ĐH Quốc tế

8

Tháng 4/2013[1]

Điện tử Viễn Thông

ĐH Quốc tế

9

Tháng 9/2013

Ngữ Văn Anh

ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn

10

Kỹ thuật Hóa học

ĐH Bách khoa

11

Kỹ thuật Xây dựng

ĐH Bách khoa

12

Tháng 10/2014

Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa

ĐH Bách khoa

13

Quản lý công nghiệp

ĐH Bách khoa

14

Tháng 12/2014

Quan hệ quốc tế

ĐH KHXH&NV

15

Kinh tế đối ngoại

ĐH Kinh tế - Luật

16

Tài chính ngân hàng

ĐH Kinh tế - Luật

Bảng 1: Danh sách các chương trình tham gia đánh giá theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA (2009-2014)

STT

Thời gian

đánh giá

Chương trình

Trường

Kết quả

đánh giá

1

 

Tháng 11/2013

Khoa học máy tính

ĐH Bách khoa

Đạt chuẩn kiểm định trong thời hạn 6 năm (2014-2019)

2

Kỹ thuật máy tính

ĐH Bách khoa

Bảng 2: Danh sách các chương trình tham gia đánh giá theo bộ tiêu chuẩn ABET

Như vậy, giai đoạn 2009-2014, ĐHQG-HCM đã có tổng số 16 chương trình được đánh giá ngoài chính thức theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA. ĐHQG-HCM cũng đang dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đánh giá.

Trong tổng số 16 chương trình trên, ĐHQG-HCM có 01 chương trình được đánh giá theo dự án ASEAN-QA. Đây là dự án hợp tác giữa AUN và Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) nhằm mục tiêu tăng cường năng lực ĐBCL trong khu vực, tạo tiền đề cho việc chuyển đổi tín chỉ và công nhận bằng cấp lẫn nhau giữa các trường trong khu vực ASEAN cũng như giữa ASEAN và châu Âu.

Đặc biệt, trong năm 2013, trường ĐH Bách khoa đã có 2 chương trình (Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính) được đánh giá và đạt chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn ABET của Hoa Kỳ (Accreditation Board for Engineering and Technology). Đây là 02 chương trình đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định của ABET.

Song song với việc thúc đẩy hoạt động đánh giá chất lượng theo chuẩn khu vực và quốc tế, Trung tâm đã rất chú trọng xây dựng quan hệ với các tổ chức ĐBCL trên thế giới nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật các xu thế mới trên toàn cầu. Sự tham gia vào các mạng lưới quốc tế như APQN và INQAAHE đã tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động này. Hàng năm, cán bộ Trung tâm được tạo điều kiện tham gia các hội thảo quốc tế do các mạng lưới này tổ chức, đồng thời phổ biến thông tin đến các đơn vị ĐBCL của các trường thành viên để cùng tham dự. Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên cập nhật, chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực ĐBCL của các tổ chức ĐBCL khu vực và quốc tế đến toàn hệ thống ĐHQG-HCM.

Cuối cùng, hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược ĐBCL ĐHQG-HCM là tăng cường năng lực nghiên cứu, đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống. Đã có nhiều khóa tập huấn ngắn hạn, dài hạn, các dự án nghiên cứu được triển khai trong thời gian qua. Một trong những dự án ĐHQG-HCM tham gia là ASEAN-QA, do AUN phối hợp với DAAD tổ chức. Đây là dự án nâng cao năng lực tự đánh giá và đánh giá ngoài cho các trường đại học khu vực Đông Nam Á. ĐHQG-HCM là đơn vị cùng với AUN, đại học Postdam (Đức) tham gia tổ chức các chuỗi tập huấn cho các chuyên gia ĐBCL trong và ngoài nước.

4. Kết luận

Tóm tại, với tư cách là thành viên của các tổ chức ĐBCL uy tín trên thế giới, ĐHQG-HCM có nhiều cơ hội để tiếp cận với các quan điểm và phương pháp đánh giá chất lượng tiên tiến, cập nhật thường xuyên các kết quả nghiên cứu mới nhất về giáo dục trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, hoạt động này góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của ĐHQG-HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong cộng đồng giáo dục khu vực và quốc tế.

Nhằm tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động hợp tác quốc tế trong ĐBCL, đòi hỏi phải có sự cam kết chặt chẽ của lãnh đạo ĐHQG-HCM, sự phối hợp tốt giữa ĐHQG-HCM với các đơn vị thành viên và sự nỗ lực của đơn vị chuyên trách là Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo. Ngoài ra, để hoạt động này mang lại hiệu quả cao, ĐHQG-HCM cần có chiến lược đầu tư thích đáng về nguồn lực con người như thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách về hợp tác quốc tế và các chính sách hỗ trợ tốt về cơ chế làm việc, kinh phí hoạt động, thời gian thực hiện,..

Từ những thành quả ban đầu đã đạt được trong thời gian qua, cùng với việc xác định rõ định hướng hội nhập quốc tế về công tác ĐBCL, tin rằng ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục khẳng định được vị thế vững chắc của mình trong bản đồ giáo dục đại học thế giới, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của hệ thống giáo dục Việt Nam.   

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      www.aunsec.org

2.      www.apqn.org

3.      www.inqaahe.org

4.      apherp.org



[1]  Đánh giá ngoài theo Dự án hợp tác giữa AUN và Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD)


Các tin / bài viết cùng loại:
© 2018 Trung Tâm Khảo Thí và Đánh Giá Chất Lượng Đào Tạo - ĐHQG TP.HCM.
Powered by Web7Màu.

Địa chỉ: Phòng 403, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, Tp.HCM
Điện thoại: 08.3724.2181, Số nội bộ: 1415 - Fax: 08.3724.2162
Email: ttkt@vnuhcm.edu.vn
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.6.6.0