Ngày 29 tháng 8 năm 2013, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo đã phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) tổ chức buổi báo cáo chuyên đề: “Phụ nữ và công tác quản lý trong giáo dục đại học” với sự trình bày của GS.TS. Frances Lee Hoffmann, chuyên gia Fulbright tại Việt Nam.
Tham dự buổi báo cáo chuyên đề có PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV; ThS. Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo; TS. Nguyễn Kim Dung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, trường ĐH Sư phạm Tp.HCM cùng 45 cán bộ nữ đang công tác tại các phòng/ban thuộc ĐHQG-HCM, các đơn vị thành viên và 25 cán bộ đang công tác tại Sở giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, các trường đại học, cao đẳng ngoài ĐHQG-HCM như Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Nông Lâm, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Bình Dương...
Tại buổi trao đổi, Giáo sư Frances Lee Hoffmann đã trình bày các vấn đề liên quan đến vai trò và sự tham gia của nữ giới trong công tác quản lý giáo dục đại học (GDĐH) tại Hoa Kỳ cũng như tại Việt Nam và một số quốc gia khác. Qua một số kết quả nghiên cứu, học giả phân tích cho thấy những trở ngại lớn đối với phụ nữ khi đảm nhận vai trò lãnh đạo chính là những rào cản về văn hóa như các chuẩn mực và vị trí của nữ giới trong xã hội, về cơ cấu giới như trách nhiệm với gia đình, gánh nặng công việc, những định kiến về khả năng lãnh đạo của phụ nữ,… đặc biệt là rào cản từ chính bản thân người phụ nữ khi họ không muốn hoặc sợ bị thất bại khi làm lãnh đạo. Thực tế cho thấy, không có sự khác biệt lớn giữa phong cách lãnh đạo của hai giới. Những yếu tố như sự ủng hộ của gia đình, nỗ lực cá nhân và sự “may mắn” khi được tín nhiệm là nhân tố quan trọng sẽ đóng góp cho sự thành công của phụ nữ.
Bên cạnh đó, giáo sư cũng đưa ra các giải pháp và chương trình hành động cụ thể nhằm hỗ trợ phụ nữ hoàn thành tốt vai trò quản lý trong giáo dục đại học. Theo đó, cần có sự thay đổi mạnh mẽ về mặt chính sách liên quan tới bình đẳng giới như như tăng tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ, chế độ nghỉ ốm, chế độ thai sản hợp lý cho nữ giới và kể cả nam giới nhằm hỗ trợ chăm sóc người phụ nữ trong thời gian thai sản, các chính sách phù hợp khi tuyển dụng phụ nữ làm lãnh đạo,…
Tham dự buổi báo cáo chuyên đề, các cán bộ, đặc biệt là những cán bộ đã và đang tham gia vào công tác quản lý tại các trường đại học đã chia sẻ những kinh nghiệm của chính bản thân trong quá trình làm việc, nhiều quan điểm đã được các nữ quản lý trình bày thẳng thắn liên quan tới phong cách quản lý của nữ giới, đề xuất những chính sách để phụ nữ phát huy năng lực trong công tác quản lý,…
Buổi báo cáo có ý nghĩa lớn trong việc nhìn nhận, đánh giá vai trò của nữ giới trong giáo dục, đồng thời đặt ra vấn đề cần thiết phải có nhiều chính sách hơn nữa để ưu tiên và hỗ trợ phụ nữ phát huy hết năng lực trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.
Giáo sư, Tiến sĩ Frances Lee Hoffmann là chuyên gia có rất nhiều công trình nghiên cứu về xã hội học, đặc biệt là về giới và phụ nữ. Bên cạnh đó, Giáo sư cũng có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý giáo dục đại học và đã từng đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng trường Đại học Connecticut, Hoa Kỳ. Đây là lần thứ hai Giáo sư tới làm việc tại ĐHQG-HCM với vai trò là chuyên gia Fulbright để tư vấn các vấn đề liên quan tới kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng như các nội dung quan trọng khác.
Các tin / bài viết cùng loại: