Slogan_Đại Học Quốc Gia_vn

Tìm kiếm:

TỌA ĐÀM XU HƯỚNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC: NÂNG CAO CHỈ SỐ SỨC KHỎE VÀ HẠNH PHÚC TRONG ĐẠI HỌC VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

25/02/2025 (Lượt truy cập: 19)

Ngày 20/02/2025, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo (KT&ĐGCLĐT) đã tổ chức Tọa đàm Xu hướng giáo dục đại học: Nâng cao chỉ số sức khỏe và hạnh phúc trong đại học vì mục tiêu phát triển bền vững. Tọa đàm thu hút sự quan tâm, tham dự của hơn 60 đại biểu là lãnh đạo các Ban chức năng ĐHQG-HCM, lãnh đạo các trường thành viên và trực thuộc ĐHQG-HCM, các thành viên tổ công tác dữ liệu ĐHQG-HCM và các nhân sự chuyên trách về tổ chức cán bộ, công tác sinh viên và xếp hạng đại học tại các đơn vị.



Đại biểu tham dự Tọa đàm Xu hướng giáo dục đại học: Nâng cao chỉ số sức khỏe và hạnh phúc trong đại học vì mục tiêu phát triển bền vững

Thông qua các báo cáo đề dẫn và tham luận của đại diện đến từ Trung tâm KT&ĐGCLĐT, Ban Công tác Sinh viên ĐHQG-HCM, Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐHQG-HCM và Trường ĐH Khoa học Sức khỏe, tọa đàm nhằm cung cấp thông tin về xu hướng phát triển của các trường đại học trên trên thế giới hiện nay; từ đó giúp các trường thành viên ĐHQG-HCM có thêm cơ sở để đánh giá và cải tiến các hoạt động chăm sóc sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của người học, cán bộ, giảng viên tại đơn vị. Bên cạnh đó, các thành viên tham dự tọa đàm được lắng nghe kinh nghiệm thực tiễn tốt từ một trường thành viên của ĐHQG-HCM trong việc tham gia vào hệ thống đại học vì sức khỏe của AUN (AUN-HURS).



TS. Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm KT&ĐGCLĐT trình bày báo cáo đề dẫn “Các mô hình đại học hướng đến phát triển chỉ số sức khỏe và hạnh phúc”



TS. Lưu Trung Thủy, Trưởng Ban Công tác Sinh viên ĐHQG-HCM trình bày tham luận “Chăm sóc sức khỏe sinh viên tại ĐHQG-HCM”



ThS. Phùng Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐHQG-HCM trình bày tham luận “Môi trường sinh hoạt của sinh viên nội trú KTX ĐHQG-HCM”



ThS. Lê Quang Huy, Phó Trưởng phòng KHCN&HTQT, Trường ĐH Khoa học Sức khỏe ĐHQG-HCM trình bày tham luận “Kinh nghiệm thực tiễn tham gia hệ thống đánh giá đại học vì sức khỏe của AUN tại Trường ĐH Khoa học Sức khỏe, ĐHQG-HCM”

Tọa đàm này được xem là hoạt động mở đầu cho chuỗi hoạt động nâng cao nhận thức về phát triển chỉ số chất lượng vốn con người trong đại học tại ĐHQG-HCM và nhận được sự quan tâm, đánh giá cao từ các thành viên tham dự. Trao đổi tại tọa đàm, PGS. TS. Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật cho biết ĐHQG-HCM và các trường thành viên từ lâu đã đặt vấn đề chăm sóc sức khoẻ, thể chất của người học, đội ngũ cán bộ, giảng viên lên hàng đầu. Tuy nhiên, hoạt động này chưa được triển khai bài bản, chưa có bộ tiêu chí rõ ràng. Tôi rất tâm đắc với việc khu vực và thế giới đã hình thành các bộ tiêu chí về đại học vì sức khoẻ, đại học bền vững. PGS. TS. Vòng Bính Long, Trưởng Phòng KT&BĐCL Trường ĐH Quốc tế cho rằng “Việc quan tâm đến các hoạt động chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm thần của sinh viên là rất thiết thực và cần thiết. Hiện nay, sinh viên chủ yếu được đào tạo về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Nhiều sinh viên gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần. Việc triển khai mô hình đại học vì sức khỏe, đại học hạnh phúc sẽ giúp thu hút người học, phụ huynh yên tâm khi con em học tập tại trường”. Nhận định về tính khả thi và cách thức triển khai nội dung này tại ĐHQG-HCM, TS. Lưu Trung Thủy, Trưởng Ban Công tác Sinh viên ĐHQG-HCM cho rằng “Chúng tôi rất ủng hộ việc tham gia hệ thống đánh giá đại học vì sức khỏe vì đây là một trong những giải pháp khả thi để cải tiến nội dung chăm sóc sức khỏe cho người học, giúp khắc phục những khó khăn hiện tại. Các trường nên xem xét tham gia hệ thống đánh giá này, quan trọng là cam kết từ lãnh đạo. Chúng ta không thiếu khả năng vận dụng nhưng vẫn thiếu yếu tố thúc đẩy. Sự cam kết của lãnh đạo đơn vị sẽ giúp tạo nên sức bật, từ đó hệ thống kế hoạch được xây dựng bài bản, có đầu tư nguồn lực, giải pháp…. Hầu hết các đại biểu đều đồng tình cho rằng mô hình đại học vì sức khỏe, đại học hạnh phúc, đại học hạnh phúc là xu thế chung của giáo dục đại học toàn cầu, ĐHQG-HCM và các trường đại học thành viên nên tham gia. Tuy nhiên, ĐHQG-HCM nên có kế hoạch, đề án chung để định hướng cho các đơn vị thành viên và trực thuộc chủ động tham gia, triển khai.

Chiến lược phát triển ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 xác định “ĐHQG-HCM trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam”, theo đó, nhân tài được hiểu là đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà khoa học, sinh viên đang nghiên cứu, công tác và học tập tại các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQG-HCM. Để các “nhân tài” này có thể Đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy tiến bộ xã hội, làm giàu thêm kho tàng tri thức nhân loại và nền văn hóa Việt Nam như đã đề cập trong Sứ mạng của ĐHQG-HCM, điều kiện đầu tiên và tiên quyết là họ phải có nền tảng tốt về sức khỏe thể chất và tinh thần. Đồng thời, trong những năm gần đây, bên cạnh xem xét sự xuất sắc của các đại học trên phương diện học thuật và nghiên cứu đỉnh cao, các tổ chức kiểm định, các tổ chức xếp hạng còn đánh giá vai trò của các trường đại học trong việc xây dựng môi trường học tập, giảng dạy, nghiên cứu, làm việc lành mạnh, an toàn cho tất cả giảng viên, sinh viên, nhân viên của nhà trường cũng như cộng đồng dân cư xung quanh nhà trường; mức độ đóng góp của nhà trường cho việc thực hiện mục tiêu PTBV của Liên Hợp Quốc./.

ThS. Châu Thị Diệu Hiền

Các tin / bài viết cùng loại:
© 2018 Trung Tâm Khảo Thí và Đánh Giá Chất Lượng Đào Tạo - ĐHQG TP.HCM.
Powered by Web7Màu.

Địa chỉ: Phòng 403, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Khu phố 6, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, Tp.HCM
Điện thoại: 028.3724.2181, Số nội bộ: 1415 - Fax: 028.3724.2162
Email: ttkt@vnuhcm.edu.vn
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.6.6.0