Slogan_Đại Học Quốc Gia_vn

Tìm kiếm:

ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC SẼ LÀ KỲ THI CHUNG ĐỂ XÉT TUYỂN VÀO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

25/11/2023 (Lượt truy cập: 49410)

Đó là nhận định của TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) ĐHQG-HCM năm 2023, dự thảo kế hoạch năm 2024 và định hướng kỳ thi năm 2025. Hội nghị do ĐHQG-HCM tổ chức tại TP.HCM vào chiều 24/11.


TS Nguyễn Đức Nghĩa nêu đề xuất về công tác tổ chức kỳ thi ĐGNL. Ảnh: Thu Thảo

Qua 6 năm triển khai, kỳ thi ĐGNL đã tạo được sự tin cậy đối với các cơ sở giáo dục đào tạo, phụ huynh, thí sinh trên toàn quốc, góp phần vào sự thành công của công tác tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trong toàn hệ thống giáo dục Việt Nam.

Kỳ thi được cải tiến liên tục

PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, đánh giá: “Kết quả của kỳ thi ĐGNL không chỉ được dùng để tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo trong hệ thống ĐHQG-HCM mà còn được 97 trường ĐH, CĐ sử dụng để xét tuyển thí sinh. Kỳ thi này đã giúp tuyển chọn những thí sinh có năng lực phù hợp với mục tiêu đào tạo của ĐHQG-HCM cũng như các cơ sở giáo dục khác”.

Bên cạnh sự gia tăng về quy mô tổ chức, số lượng thí sinh, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm cho rằng tính hiệu quả của kỳ thi ĐGNL còn thể hiện ở việc làm thay đổi nhận thức, phương pháp học tập của học sinh, góp phần định hướng cho học sinh THPT học một cách toàn diện hơn. Điều này phù hợp với định hướng phát triển đào tạo của nền giáo dục đại học Việt Nam trong tương lai.

Về công tác tổ chức, ĐHQG-HCM cũng nhận được sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị tham gia, đồng thời áp dụng thêm chuyển đổi số trong nhiều khâu nên đạt kết quả khá tốt.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM sẽ được cải tiến liên tục để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan, thích ứng trước những điều chỉnh của Bộ GD&ĐT và góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh sử dụng kết quả dự thi để xét tuyển đại học.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe 4 tham luận, gồm: Báo cáo tổng kết công tác tổ chức thi ĐGNL ĐHQG-HCM giai đoạn 2018-2023, kế hoạch năm 2024 và định hướng năm 2025 (TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG-HCM); Công tác phối hợp tổ chức thi và sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM để tuyển sinh tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM); Công tác phối hợp tổ chức thi và sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM để tuyển sinh tại Trường ĐH Lạc Hồng (TS Lâm Thành Hiển - Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng); Hiệu quả công tác tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM (PGS.TS Nguyễn Đình Tuyên - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách Khoa).

Trong đó, tham luận về Hiệu quả công tác tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM của đại diện Trường ĐH Bách Khoa nhận được nhiều sự quan tâm từ các đại biểu. Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách Khoa đánh giá: “Theo thống kê từ năm 2018-2021, tỷ lệ sinh viên xét tuyển vào trường theo phương thức ĐGNL có năng lực học tập tốt, đạt điểm trung bình tích lũy cao hơn so với phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

Sau phần báo cáo tham luận, các đại biểu đã có cuộc thảo luận, đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng của kỳ thi ĐGNL và đề ra một số giải pháp để cải thiện công tác tổ chức thi trong năm 2024 và 2025.

Sẽ công bố thang điểm chi tiết


Toàn cảnh buổi thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: Thu Thảo

Liên quan đến việc mở rộng quy mô tổ chức, TS Nguyễn Thanh Trọng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc Tế Miền Đông, đề nghị ĐHQG-HCM nên phối hợp thêm nhiều tỉnh thành để giúp học sinh ở vùng sâu vùng xa dễ dàng tiếp cận kỳ thi ĐGNL.

Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (TTKT&ĐGCLĐT) TS Nguyễn Quốc Chính cho rằng đề xuất của Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc Tế Miền Đông rất hợp lý, trùng với quan điểm của ĐHQG-HCM là đưa kỳ thi ĐGNL đến gần hơn với các thí sinh. Sắp tới, ĐHQG-HCM sẽ lên kế hoạch triển khai cụ thể cho việc này.

Về áp dụng chuyển đổi số trong kỳ thi ĐGNL, ThS Cù Xuân Tiến - Trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác Sinh viên, Trường ĐH Kinh tế - Luật, góp ý ĐHQG-HCM không nên buộc thí sinh mang theo căn cước công dân, giấy báo dự thi, mà nên thay thế bằng việc xác nhận tài khoản định danh điện tử mức 2 trên điện thoại. Còn việc cấp giấy xác nhận điểm, thay vì gửi về nhà, ông Tiến gợi ý nên gửi bản điện tử cho thí sinh để giảm bớt chi phí.

Đối với các đề xuất về chuyển đổi số, TS Nguyễn Quốc Chính cho biết Hội đồng thi ĐGNL sẽ đưa vào thảo luận để xem xét khả năng triển khai. “Về việc gửi giấy xác nhận điểm điện tử, nếu các trường ĐH, CĐ đồng thuận không cần đóng dấu bản điểm thì sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ trao đổi thêm với bộ phận pháp lý để tránh vi phạm quy chế”.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang, ông Quách Hoài Nam đồng tình với kế hoạch tổ chức kỳ thi ĐGNL năm 2024 theo hướng phát triển ổn định. Về kỳ thi ĐGNL năm 2025, ông Nam yêu cầu ĐHQG-HCM công bố nội dung thi cụ thể của từng môn sao cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Trao đổi về nội dung thi ĐGNL, TS Nguyễn Quốc Chính nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi là đề thi ĐGNL phải đánh giá được những năng lực cơ bản nhất của việc học ĐH như khả năng ngôn ngữ, tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề… Chúng tôi sẽ cân nhắc về tỷ trọng câu hỏi ở các môn một cách hợp lý nhất”.

TS Nguyễn Quốc Chính nói thêm, TTKT&ĐGCLĐT sẽ công bố chi tiết thang điểm của mỗi phần thi, từ đó tạo cơ sở cho các trường chọn tổ hợp xét tuyển cũng như quy định hệ số điểm từng môn phù hợp với nhu cầu tuyển sinh.

Về trăn trở “nạn luyện thi” ĐGNL đang ngày càng diễn biến phức tạp của nguyên Trưởng ban Ban Công tác Sinh viên TS Lê Thị Thanh Mai, TS Nguyễn Quốc Chính cho rằng không thể nào “dẹp” được vấn nạn này và điều quan trọng là ĐHQG-HCM phải làm ra được những đề thi đánh giá năng lực thật của học sinh.

Khép lại phần thảo luận, TS Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ: “Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá cách dạy và học THPT chứ không phải để xét tốt nghiệp. Do đó, những kỳ thi ĐGNL của các trường đại học sẽ càng trở nên quan trọng vì nó đánh giá được năng lực thật sự của thí sinh. Tôi tin các trường ĐH, CĐ sẽ dựa trên kết quả của các kỳ thi ĐGNL để làm cơ sở xét tuyển cho năm 2025”.

TS Nguyễn Đức Nghĩa mong Hội đồng thi sẽ rà soát ngân hàng câu hỏi cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và đảm bảo số lượng câu hỏi đủ cho ít nhất 5 kỳ thi. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, kỳ thi ĐGNL không phải kỳ thi riêng của ĐHQG-HCM mà là kỳ thi chung để các trường ĐH tuyển sinh. Cho nên, ĐHQG-HCM cần truyền thông mạnh mẽ hơn để lan tỏa thông điệp này.


PGS.TS Nguyễn Minh Tâm  phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Thu Thảo

Kết luận Hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM PGS. TS Nguyễn Minh Tâm tán thành những ý kiến đóng góp, đề xuất mà các đại biểu đưa ra và đề nghị Thường trực Hội đồng thi, TTKT&ĐGCL tiếp thu, đưa vào các quy định, quy chế.

PGS. TS Nguyễn Minh Tâm khẳng định, ĐHQG-HCM sẽ duy trì việc tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi ĐGNL và kết hợp thêm nội dung của Hội nghị tổng kết công tác lọc ảo nhóm phía Nam trong lần tổ chức tiếp theo.

Tin, ảnh: HƯƠNG NHU - THU THẢO
Nguồn(vnuhcm.edu.vn)

Các tin / bài viết cùng loại:
© 2018 Trung Tâm Khảo Thí và Đánh Giá Chất Lượng Đào Tạo - ĐHQG TP.HCM.
Powered by Web7Màu.

Địa chỉ: Phòng 403, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, Tp.HCM
Điện thoại: 08.3724.2181, Số nội bộ: 1415 - Fax: 08.3724.2162
Email: ttkt@vnuhcm.edu.vn
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.6.6.0