Chiều 30/6/2025, tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM, Hội đồng Đảm bảo Chất lượng Giáo dục ĐHQG-HCM đã tổ chức phiên họp lần thứ 33 dưới sự chủ trì của PGS.TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM, Chủ tịch Hội đồng.
Tại phiên họp, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo (đơn vị thường trực của Hội đồng) đã trình bày Báo cáo tổng kết công tác bảo đảm chất lượng giáo dục tại ĐHQG-HCM 6 tháng đầu năm 2025. Theo đó, các hoạt động bảo đảm chất lượng được triển khai đúng theo kế hoạch đề ra, phù hợp với Chiến lược phát triển ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch chiến lược của từng đơn vị.
Các trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc tập trung vào các hoạt động giám sát chất lượng nội bộ, xây dựng hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng, triển khai tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ, thu thập, phân tích ý kiến phản hồi từ các bên liên quan, thực hiện cải tiến chất lượng sau đánh giá, cung cấp dữ liệu trên hệ thống HEMIS của Bộ Giáo dục và Đào tạo...
Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo chủ trì điều chỉnh nội dung Quy chế bảo đảm chất lượng giáo dục đại học tại ĐHQG-HCM, biên dịch tài liệu hướng dẫn tự đánh giá cấp cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA phiên bản 3.0, tập huấn về mô hình bảo đảm chất lượng bên trong AUN-QA phiên bản 2.0 và bộ tiêu chuẩn kiểm định cấp chương trình đào tạo theo Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT. ĐHQG-HCM đã triển khai đánh giá cấp ĐHQG-HCM đối với 03 chương trình đào tạo của trường Đại học An Giang theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA, thẩm định, tư vấn hồ sơ tự đánh giá cho 05 chương trình đào tạo chuẩn bị đánh giá ngoài chính thức theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA. Trong 6 tháng đầu năm 2025, ĐHQG-HCM có 29 chương trình đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế (ASIIN, FIBAA, AQAS), đến nay ĐHQG-HCM dẫn đầu cả nước với 171 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế và 16 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định trong nước. ĐHQG-HCM có 18 ngành được vinh danh trên Bảng xếp hạng QS Subjects 2025, tăng 7 ngành so với kỳ xếp hạng trước đó và thuộc Top 801-850 đại học xuất sắc nhất thế giới theo QS World 2026.
Trong 6 tháng cuối năm 2025, ĐHQG-HCM đẩy mạnh hoạt động giám sát chất lượng thông qua việc thu thập dữ liệu cốt lõi về bảo đảm chất lượng tại các đơn vị thành viên, xây dựng Báo cáo chất lượng thường niên, phân tích kết quả kiểm định các chương trình đào tạo.... Dự kiến ĐHQG-HCM có 30 chương trình đào tạo thuộc 6 trường đại học thành viên tham gia kiểm định chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, bao gồm ABET, ASIIN, FIBAA, AUN-QA và MOET.
ĐHQG-HCM cũng sẽ điều chỉnh định hướng chiến lược công tác bảo đảm chất lượng giai đoạn 2026-2030 để phù hợp với bối cảnh mới, trong đó triển khai đồng bộ, thống nhất mô hình bảo đảm chất lượng bên trong AUN-QA (2024), đẩy mạnh phát triển đội ngũ chuyên gia bảo đảm chất lượng, xây dựng, vận hành chương trình đào tạo dựa trên OBE, đo lường đánh giá chuẩn đầu ra, đa dạng hóa các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, hướng tới tự chủ kiểm định và phát triển văn hóa chất lượng. ĐHQG-HCM cũng tiếp tục tham gia bảng xếp hạng QS, THE, đồng thời tham gia vào các bảng xếp hạng phát triển bền vững (impact ranking, healthy university rating).
Sau phần trao đổi, thảo luận của các thành viên Hội đồng, PGS.TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM, Chủ tịch Hội đồng đã kết luận một số nội dung quan trọng liên quan đến công tác bảo đảm chất lượng trong giai đoạn tới, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm xây dựng kế hoạch, chiến lược nâng cao vị thế của ĐHQG-HCM trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế, xem xét thực hiện các đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm chất lượng đáp ứng xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới, tiếp tục phân tích, đối sánh dữ liệu cốt lõi về chất lượng, đẩy mạnh cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo sau đánh giá ngoài…
Một số hình ảnh phiên họp


Tiến Công