Slogan_Đại Học Quốc Gia_vn

Tìm kiếm:

ĐẤT NƯỚC CẦN NHỮNG “THÁNH GIÓNG MỚI” ĐỂ VƯƠN MÌNH PHÁT TRIỂN

22/10/2024 (Lượt truy cập: 27538)
Sáng 20/10/2024, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM, đã có bài phát biểu đầy tâm huyết tại Lễ Khai khóa năm 2024 do ĐHQG-HCM tổ chức. Qua đó, Giám đốc ĐHQG-HCM không chỉ gửi gắm thông điệp tôn vinh nhân tài mà còn khẳng định tầm quan trọng của giáo dục, đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội trong việc đối mặt với những thách thức từ công nghệ, biến đổi khí hậu và sự biến đổi của thế giới. Thông qua hình tượng : "Thánh Gióng mới”, ông nhấn mạnh vào vai trò của thế hệ trẻ và những nhà giáo dục trong việc đưa đất nước vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới​. Website ĐHQG-HCM xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của ông đến độc giả.

Cảm ơn Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP.HCM với những tiết mục biểu diễn xuất sắc, nhất là bài hát Bon Jour Việt Nam, rất xúc động.

Tôi nghe bài hát này lần đầu tiên vào năm 2006 khi còn đang công tác ở Trường ĐH Leuven, Vương quốc Bỉ. Bài hát làm chúng ta thêm yêu, thêm tự hào về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, 20/10 tôi xin được gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các mẹ, các cô, các chị và các em!

ĐHQG-HCM tổ chức Lễ khai khóa đúng ngày này với các diễn giả là các nhà khoa học nữ cũng là để tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam, xinh đẹp, giỏi giang nhưng cũng rất dịu dàng, đảm đang!



PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu tại Lễ Khai khoá năm 2024.

 

Kính thưa Quý vị đại biểu, quý vị khách quý,
Thưa thầy cô giáo và các em học sinh, sinh viên thân mến,

Trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi trọng và sử dụng nhân tài với triết lý “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”.

Truyền thuyết Thánh Gióng có lẽ là minh chứng đầu tiên trong lịch sử dân tộc về việc trọng dụng nhân tài. “Ông về tâu vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Lời của cậu bé Thánh Gióng ai trong chúng ta cũng đều nhớ.

Cách đây gần 1.000 năm, Nhà Lý đã tổ chức khoa thi đầu tiên với mục đích là để tuyển chọn nhân tài tham gia bộ máy quản lý điều hành đất nước.

Sau Cách mạng Tháng tám thành công, ngày 20/11/1946 Bác Hồ đã ra thông báo “Tìm người tài đức” trên Báo Cứu quốc. Chỉ vẻn vẹn 132 từ, Bác khẳng định: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”.

Romer, người đạt giải thưởng Nobel về Kinh tế năm 2018 về lý thuyết tăng trưởng nội sinh, đã chỉ ra rằng nhân lực trình độ cao là yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế. Nơi nào thu hút được nhân tài nhiều hơn, nơi đó sẽ thịnh vượng hơn.

Nhìn ra khu vực và thế giới: năm 1999, Chính phủ Singapore công bố chiến lược về nhân tài, xem nhân tài như là một nguồn vốn quan trọng nhất. Kết quả là chỉ tính riêng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, số lượng nhân tài đã tăng gấp đôi sau 20 năm.

Kế hoạch Ngàn Nhân tài được chính phủ Trung Quốc ban hành năm 2008. Kết quả là trong lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc đã có những bước tiến nhảy vọt mới. “Tàu Hằng Nga” đã đáp xuống Mặt Trăng, “Trạm vũ trụ Thiên Hòa” đã được đưa lên không gian, “Tàu Thiên Vấn” đã khám phá sao Hỏa.

Kính thưa quý vị đại biểu, quý thầy cô giáo và các em học sinh, sinh viên thân mến,

Năm 1945, đất nước ta giành được độc lập. Ngay sau đó là 2 cuộc chiến tranh trường kỳ gian khổ, kéo dài đến năm 1975 mới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu thời kỳ mở cửa thì cũng là lúc phải đối diện với thách thức của một nước nông nghiệp lạc hậu, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, trải qua thời kỳ dài trong cơ chế bao cấp, bao vây cấm vận.

Nền giáo dục đại học, từ mô hình quản lý đến công tác đào tạo cũng không nằm ngoài cơ chế bao cấp này. Chương trình đào tạo phần lớn theo mô hình Liên Xô và các nước Đông Âu: đơn ngành, đơn lĩnh vực; việc hội nhập quốc tế còn rất hạn chế.

Trong bối cảnh đó, 01/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó đã ký Nghị định 16/CP thành lập ĐHQG-HCM với sứ mệnh làm đầu tàu và nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học nước nhà, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Suốt chặng đường gần 30 năm qua, ĐHQG-HCM đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; gắn kết phục vụ cộng đồng, đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển của đất nước.

Hôm nay, chúng ta đang tiến tới những cột mốc lịch sử, tròn 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tròn 100 năm độc lập dân tộc với rất nhiều thách thức mới.

Đến từ thiên nhiên là những thách thức về biến đổi khí hậu: là nhiệt độ trái đất tăng -  nước biển dâng, là sụt lút, ngập mặn, là hiện tượng thời tiết khắc nghiệt: mưa bão, lũ lụt; là cạn kiệt các nguồn tài nguyên: dầu mỏ, than đá, các loại khoáng sản.

Đến từ con người là những thách thức về địa chính trị như chiến tranh, dịch bệnh; là tốc độ đô thị hóa, tốc độ già đi của dân số; là nhu cầu ngày càng tăng nhanh của lương thực, nước ngọt, năng lượng; là tư duy lối mòn, ngại thay đổi.

Đến từ công nghệ đột phá là những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn, của công nghệ sinh học, lượng tử; là sự cạnh tranh khốc liệt của các cường quốc công nghệ trên thế giới và khu vực.

Để không bị bỏ lại phía sau, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất là vượt qua thách thức bằng lợi thế nhân tài, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đất nước cần những thế hệ Thánh Gióng mới để vươn mình phát triển.

ĐHQG-HCM bước vào kỷ nguyên mới với tầm nhìn trở thành hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam; gánh trên vai sứ mệnh kiến tạo động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới cho đất nước; sẵn sàng cho kỷ nguyên vương mình của dân tộc!

Các thầy cô giáo và các em học sinh, sinh viên thân mến,

Để sẵn sàng cho kỷ nguyên mới, thực tiễn đặt ra cho các thầy cô và các em những yêu cầu mới, phẩm chất mới, năng lực mới.

Thầy mong các em chăm chỉ, cần mẫn học tập, tu dưỡng, rèn luyện để có kiến thức toàn diện, có trách nhiệm xã hội, có năng lực lãnh đạo, có tư duy khởi nghiệp; làm chủ, vận dụng sáng tạo tri thức, sớm đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Đất nước cần các em - những “Thánh Gióng mới” để vươn mình phát triển.

Tôi mong các thầy cô giáo không ngừng nỗ lực, miệt mài nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để tìm ra tri thức mới, công nghệ mới, những giá trị văn hoá đặc sắc mới; giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới; tham gia đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy tiến bộ xã hội, làm giàu thêm kho tàng tri thức nhân loại và nền văn hóa Việt Nam.

Đồng hành cùng các em là cả hệ thống ĐHQG-HCM, là những thầy cô giáo đầy tâm huyết; là gia đình, điểm tựa vững chắc, tràn đầy yêu thương.

Chúc tất cả các em và quý thầy/cô giáo một năm học mới thành công!

Xin trân trọng cảm ơn!



Toàn cảnh Lễ Khai khoá ĐHQG-HCM năm 2024.

PGS.TS Vũ Hải Quân

Giám đốc ĐHQG-HCM

Nguồn: vnuhcm.edu.vn

Các tin / bài viết cùng loại:
© 2018 Trung Tâm Khảo Thí và Đánh Giá Chất Lượng Đào Tạo - ĐHQG TP.HCM.
Powered by Web7Màu.

Địa chỉ: Phòng 403, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, Tp.HCM
Điện thoại: 08.3724.2181, Số nội bộ: 1415 - Fax: 08.3724.2162
Email: ttkt@vnuhcm.edu.vn
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.6.6.0