Slogan_Đại Học Quốc Gia_vn

Tìm kiếm:

KỲ THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2025: THÍ SINH CÓ THỂ HOÀN THÀNH PHẦN TƯ DUY KHOA HỌC DỰA TRÊN THÔNG TIN, DỮ KIỆN ĐƯA RA

27/12/2024 (Lượt truy cập: 10298)

Tại Hội nghị thường niên 2024 của ĐHQG-HCM, đại diện Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo ĐHQG-HCM đã có những thông tin xoay quanh cấu trúc đề thi Đánh giá Năng lực (ĐGNL) đang được thí sinh quan tâm.



TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo ĐHQG-HCM thông tin về kỳ thi ĐGNL.

TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo ĐHQG-HCM cho biết, kỳ thi ĐGNL nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh: Sử dụng ngôn ngữ; tư duy logic, xử lý số liệu và giải quyết vấn đề. Theo đó, kỳ thi ĐGNL hướng đến việc tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp, chất lượng cao, phù hợp với chương trình đào tạo.

Trong bối cảnh chương trình giáo dục năm 2018 có sự thay đổi, cấu trúc bài thi ĐGNL 2025 cần được điều chỉnh phù hợp. Theo đó, ĐHQG-HCM giữ cấu trúc phần Sử dụng ngôn ngữ và Toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của hai phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi.

Phần Logic - Phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần Tư duy khoa học nhằm đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.



Câu hỏi thuộc nhóm Tư duy khoa học là sự khác biệt, gồm các vấn đề khoa học, xã hội, công nghệ, đời sống.

Câu hỏi thuộc nhóm Tư duy khoa học là sự khác biệt. Phần này gồm các vấn đề khoa học, xã hội, công nghệ, đời sống, chứ không thuộc về kiến thức riêng biệt từng môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Các câu hỏi đều cung cấp đầy đủ thông tin dưới dạng số liệu, dữ kiện, công thức, định nghĩa, quá trình và kết quả thí nghiệm. Thí sinh dựa vào tư duy logic, suy luận khoa học để tìm ra quy luật, lời giải.

“Đề thi cung cấp đầy đủ thông tin, dữ kiện để đảm bảo thí sinh có thể hoàn thành bài thi.  Thí sinh dùng chính dữ kiện được cung cấp trong đề thi để suy luận ra quy luật và giải quyết vấn đề. Điều này không yêu cầu thí sinh phải học chuyên sâu về các môn mà phải dựa vào năng lực đọc hiểu, suy luận”, TS Nguyễn Quốc Chính nói.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, trước đây, đề thi ĐGNL ở phần Giải quyết vấn đề chia ra làm nhiều môn học như: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Trong khi đó, chương trình giáo dục năm 2018 cho phép học sinh lựa chọn tổ hợp môn học. Nếu tiếp tục áp dụng cấu trúc đề thi như mọi năm sẽ gây khó khăn cho thí sinh. Vì vậy, cấu trúc đề thi 2025 đã được điều chỉnh lại, đánh giá các năng lực cơ bản, cần thiết của thí sinh.

Với điều chỉnh nêu trên, ĐHQG-HCM đã xây dựng ngân hàng câu hỏi và chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi sắp đến. Qua đó, ĐHQG-HCM kỳ vọng có thể tiếp cận đa dạng thí sinh, tuyển sinh nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp.



Kế hoạch tổ chức kỳ thi ĐGNL 2025 cũng được công bố vào sáng 26/12.

Tin: KHẮC HIẾU

Nguồn:vnuhcm.edu.vn

Các tin / bài viết cùng loại:
© 2018 Trung Tâm Khảo Thí và Đánh Giá Chất Lượng Đào Tạo - ĐHQG TP.HCM.
Powered by Web7Màu.

Địa chỉ: Phòng 403, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, Tp.HCM
Điện thoại: 08.3724.2181, Số nội bộ: 1415 - Fax: 08.3724.2162
Email: ttkt@vnuhcm.edu.vn
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.6.6.0