Ngày 13/12/2024, tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Hội đồng ĐHQG-HCM khóa IV đã tổ chức kỳ họp lần thứ 23. PGS.TS Vũ Hải Quân, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHQG-HCM đã chủ trì phiên họp.
PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu kết luận tại phiên họp.
Năm 2024: ĐHQG-HCM đạt nhiều thành tựu nổi bật
Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2024 cho thấy ĐHQG-HCM đã đạt nhiều kết quả nổi bật về quản trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…
Cụ thể, ĐHQG-HCM hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy và nhân sự với việc thành lập các đơn vị thành viên, trực thuộc mới; kiện toàn nhân sự Ban Giám đốc ĐHQG-HCM; thành lập 09 Hội đồng quản lý của các đơn vị trực thuộc. ĐHQG-HCM bước đầu triển khai hiệu quả Chương trình VNU350, thu hút, tuyển dụng được 27 nhà khoa học.
Năm 2024 là năm đầu tiên ĐHQG-HCM tổ chức tuyển sinh ngành công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch. Cùng trong năm này, ĐHQG-HCM đã mở mới 14 ngành trình độ đại học, 5 ngành trình độ thạc sĩ, 1 ngành trình độ tiến sĩ; 2 ngành trình độ đại học liên ngành, liên trường.
ĐHQG-HCM tiếp tục chú trọng tăng số lượng công bố quốc tế trong danh mục Scopus (đạt gần 3.000 bài). Đặc biệt, ĐHQG-HCM tăng 01 bậc trên bảng xếp hạng QS World 2025 (xếp vị trí 901-950); tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế (154 chương trình). ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên, trực thuộc đã ký kết văn bản hợp tác với 137 đối tác quốc tế và ký kết 71 văn bản hợp tác, hỗ trợ địa phương thực hiện 73 nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Dù đạt được nhiều thành tựu, hoạt động của ĐHQG-HCM trong năm 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tiến độ giải ngân chậm; các thủ tục tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất đối với các trường hợp khiếu nại, trì hoãn giao mặt bằng mất nhiều thời gian, làm chậm trễ việc thu hồi mặt bằng cũng như giải ngân tiền bồi thường…
Thông qua nhiều chủ trương phát triển quan trọng
Các thành viên Hội đồng ĐHQG-HCM chụp hình lưu niệm.
Tại phiên họp, Hội đồng ĐHQG-HCM đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như: Chủ trương ban hành khung pháp lý thành viên liên kết của ĐHQG-HCM; Chủ trương phê duyệt kế hoạch tài chính, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Chủ trương xây dựng, triển khai Đề án định mức kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ giáo dục, đào tạo giai đoạn 2025-2030; Đề án sử dụng tài sản công tại Viện Môi trường và Tài nguyên, Trung tâm Thể dục Thể thao, Thư viện Trung tâm ĐHQG-HCM vào mục đích cho thuê và chia sẻ cơ sở vật chất dùng chung…
Ngoài ra, Hội đồng ĐHQG-HCM đã đồng ý thông qua nội dung kiện toàn nhân sự Hội đồng trường Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Hội đồng trường Trường Đại học Khoa học tự nhiên.
Trong phần thảo luận, các thành viên của Hội đồng ĐHQG-HCM đã có nhiều đóng góp ý kiến sâu sắc cho sự phát triển chung của ĐHQG-HCM. PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM kỳ vọng ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được dù phải đối mặt với nhiều thử thách trong tình hình mới.
Theo PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM cần có chính sách hỗ trợ các nhà khoa học trẻ. Hầu như các nhà khoa học có thành tích nổi bật trước năm 40 tuổi nên khi nhà khoa học còn trẻ thì phải hỗ trợ, tạo điều kiện nghiên cứu khoa học công nghệ. PGS Phong đề xuất ĐHQG-HCM nên mời tổ chức QS tư vấn về xếp hạng đại học. Việc cải thiện thứ hạng của ĐHQG-HCM trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế uy tín sẽ đem lại lợi thế về tuyển sinh, hợp tác quốc tế cũng như đầu tư trọng tâm của Nhà nước.
Dự kiến phiên họp lần thứ 24, khóa IV của Hội đồng ĐHQG-HCM sẽ diễn ra vào ngày 18/7/2025.
Toàn cảnh phiên họp.
Nguồn: vnuhcm.edu.vn